13/01/2021 17:10  
Người đại diện của Văn Lâm khẳng định thân chủ của mình đơn phương chấm dứt hợp đồng với Muangthong United. Liệu thủ thành người Việt Nam có phải bồi thường hay không?

Vào sáng nay, người đại diện của Văn Lâm, ông Andrey Grushin đã bất ngờ thông báo thân chủ của mình đơn phương chấm dứt hợp đồng với CLB Muangthong United. Trong dòng trạng thái trên trang Instagram cá nhân, ông Andrey Grushin thông báo: "Văn Lâm đã chấm dứt hợp đồng với Muangthong United, do đội bóng này vi phạm điều khoản tài chính đã cam kết. Việc chấm dứt hợp đồng tuân thủ đúng quy định của FIFA".

Trước đó, CLB Muangthong United cũng tỏ ra không hài lòng với thái độ thiếu chuyên nghiệp của Văn Lâm khi mà thủ thành này đã bỏ tập và cắt đứt liên lạc với CLB trong thời gian dài.

Điều đáng nói, Văn Lâm vẫn còn hợp đồng với CLB Muangthong United tới năm 2022. Câu hỏi đặt ra là việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ở thời điểm này có khiến Văn Lâm phải bồi thường hợp đồng?

Trong luật chuyển nhượng của FIFA, có 3 điều quy định rõ về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của các cầu thủ. Dân Trí xin được trích 3 điều trong luật của FIFA:

Điều 13. Tôn trọng hợp đồng

Hợp đồng giữa cầu thủ chuyên nghiệp và câu lạc bộ chỉ có thể được chấm dứt khi hết thời hạn hoặc với sự thống nhất của hai bên.

Điều 14. Chấm dứt hợp đồng vì lý do chính đáng

Hợp đồng có thể được chấm dứt bởi một trong hai bên mà không có bất kỳ hậu quả pháp lý nào (bồi thường hoặc phạt thể thao) nếu có lý do chính đáng.

Điều 15. Chấm dứt hợp đồng vì lý do thể thao chính đáng

Nếu một cầu thủ chuyên nghiệp ra sân ít hơn 10% tổng số trận đấu chính thức trong một mùa giải mà câu lạc bộ của anh ta tham gia thì có thể chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trên cơ sở lý do thể thao chính đáng. Khi xem xét những trường hợp này cần chú ý tới hoàn cảnh của cầu thủ. Việc xác định lý do thể thao chính đáng phải được cân nhắc theo từng trường hợp. Trong trường hợp có lý do thể thao chính đáng, sẽ không áp dụng biện pháp phạt thể thao, cho dù có thể áp dụng bồi thường. Cầu thủ chuyên nghiệp chỉ có thể được chấm dứt hợp đồng theo cơ sở này sau 15 ngày tính từ trận đấu chính thức cuối cùng trong Mùa giải của câu lạc bộ mà anh ta đã đăng ký thi đấu.

Trên cơ sở những điều này, thì điều 13 và 15 không thể áp dụng trong trường hợp này. Bởi lẽ, Văn Lâm và Muangthong United chưa đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Bên cạnh đó, Văn Lâm cũng không ra đi vì lý do thể thao (thi đấu nhiều hơn 10% tổng số trận của Muangthong United.

Điều 14 là có một điểm đáng chú ý là: "Hợp đồng có thể được chấm dứt bởi một trong hai bên mà không có bất kỳ hậu quả pháp lý nào (bồi thường hoặc phạt thể thao) nếu có lý do chính đáng".

Trong đó, nếu căn cứ vào điều này, nếu như phía Văn Lâm chứng minh được CLB Muangthong United vi phạm điều khoản tài chính (như lời người đại diện của Văn Lâm đã chia sẻ) thì thủ thành người Việt Nam được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Vấn đề này sẽ được quy định rõ trong hợp đồng giữa hai bên. Trong trường hợp không chứng minh được Muangthong United vi phạm (giả dụ trong hợp đồng có thể nêu ra lý do vì ảnh hưởng bên ngoài như dịch Covid-19 thì CLB có thể chậm lương) thì Văn Lâm sẽ phải chịu hậu quả nặng nề.

Điều 17 trong luật chuyển nhượng của FIFA quy định rõ những án phạt có thể xảy ra. Trong đó, ở mức nhẹ nhất, cầu thủ sẽ phải nộp tiền bồi thường (không được nhượng quyền cho bên thứ 3, tức CLB sắp chiêu mộ). Ở mức nặng hơn, cầu thủ có thể bị cấm thi đấu từ 4-6 tháng. Trong thời gian cấm thi đấu này, CLB chủ quản sẽ không được phạt chuyên môn (như cấm tập luyện). Đó là cách bảo vệ cầu thủ của FIFA.

Trong trường hợp Muangthong United vi phạm hợp đồng thì FIFA cũng quy định rõ ràng là họ phải để Văn Lâm ra đi và thậm chí là bồi thường vi phạm hợp đồng.

Khả năng Văn Lâm và Muangthong United sẽ phải đưa nhau ra tòa án thể thao quốc tế (hoặc nhờ FIFA phân xử) để giải quyết vụ việc là khá cao nếu như hai bên không thể tự dàn xếp được.

H.Long

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   FIFA   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...