13/01/2021 19:05  
Trước đó, bờ biển phía Đông TP.Đà Nẵng qua hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn kéo dài 16 km liên tiếp xuất hiện các điểm sạt lở, xâm thực sâu vào bờ.
Trong đó, có 6 khu vực bị xói lở nặng nề hơn cả là ngã ba Hồ Thấu - Võ Nguyên Giáp, dãy nhà hàng từ Phước Mỹ 2 đến Mỹ Hạnh, bãi biển từ đường Võ Văn Kiệt đến khách sạn Grand Tourane, từ bãi tắm số 9 đến khách sạn Mường Thanh, trước khách sạn Holiday, bãi tắm Sơn Thủy.
Tại các khu vực này, nước biển xói sâu vào bãi biển, hình thành các vũng xoáy và có xu hướng dịch chuyển theo thời gian (trước khách sạn Mường Thanh, Grand Tourane…)
Bà Phạm Thị Chín, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP.Đà Nẵng) cho biết hiện tượng sạt lở bờ biển đã xuất hiện nhiều năm qua, gần nhất là các năm 2017, 2018, lần này xảy ra từ cuối tháng 12 đến nay.
“Cùng thời điểm này, Đài khí tượng thủy văn Trung Trung bộ ghi nhận 3 đợt gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh (16 - 21.12.2020, 5 - 9.1 và 9 - 12.1), những ngày có gió mùa, ven biển gió mạnh cấp 4 - 5, vùng biển gió mạnh cấp 6, 7, giật cấp 8, sóng biển 3 - 5m, biển động mạnh, đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến sạt lở, xâm thực sâu vào bờ”, bà Phạm Thị Chín nói.
Ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng, cho biết trước mắt khuyến cáo các hộ kinh doanh bãi biển chuyển đổi cơ sở vật chất có tính cơ động để dễ dàng di chuyển khi bị xói lở, lắp bảng cấm tắm vì khu vực nguy hiểm.
Đồng thời Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng vẫn tiếp tục theo dõi, tập hợp các số liệu để chuẩn bị cho một hội thảo khoa học quy mô lớn về đánh giá biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và giải pháp chống xâm thực, sạt lở bờ biển Đà Nẵng.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Sơn Trà   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...