09/04/2021 16:11  
Mỹ có những tính toán nhất định khi thẳng tay giáng đòn trừng phạt 7 công ty siêu máy tính Trung Quốc giữa lúc căng thẳng leo thang.

Siêu máy tính - lĩnh vực quan trọng với Trung Quốc

Bộ Thương mại Mỹ ngày 8/4 thông báo 7 công ty siêu máy tính Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách trừng phạt. Washington cáo buộc các công ty này "tham gia vào nỗ lực xây dựng siêu máy tính được các lực lượng quân sự của Trung Quốc sử dụng" nhằm mục đích "hiện đại hóa hoặc phát triển vũ khí cho các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt".

Sau khi bị trừng phạt, 7 công ty trên sẽ cần giấy phép đặc biệt để có thể xuất khẩu hoặc nhập khẩu từ Mỹ.

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, "năng lực siêu máy tính đóng vai trò sống còn đối với sự phát triển của nhiều, nếu không muốn nói là gần như toàn bộ, vũ khí hiện đại và hệ thống an ninh quốc gia như vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh".

"Bộ Thương mại sẽ sử dụng toàn bộ quyền hạn của mình để ngăn chặn Trung Quốc tận dụng các công nghệ của Mỹ nhằm hỗ trợ cho những nỗ lực hiện đại hóa quân sự gây mất ổn định", Bộ trưởng Thương mại Mỹ tuyên bố.

Trong số 7 cơ sở bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ lần này có Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Đây cũng là nơi đặt siêu máy tính Sunway TaihuLight của Trung Quốc. Vào thời điểm bắt đầu hoạt động năm 2016, Sunway TaihuLight được xem là siêu máy tính mạnh nhất thế giới.

Trong danh sách 500 siêu máy tính do các nhà nghiên cứu đánh giá, tính đến cuối năm 2020, Sunway TaihuLight đứng ở vị trí thứ 4. 3 vị trí đầu thuộc về siêu máy tính của Nhật Bản và Mỹ.

Theo SCMP, siêu máy tính được xem là lĩnh vực quan trọng đối với Trung Quốc. Đây cũng là lĩnh vực đang phát triển mạnh, đóng vai trò quan trọng đối với công nghệ điện toán đám mây, nghiên cứu khí hậu, máy móc tối tân và nghiên cứu quân sự. Cho đến nay, Trung Quốc đã tích lũy được số lượng siêu máy tính hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, Mỹ ngày càng lo ngại trước nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành được công nghệ kỹ thuật siêu máy tính để hiện đại hóa quân đội của nước này. Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục leo thang trong những năm gần đây, trong đó Mỹ cáo buộc Trung Quốc tìm mọi cách đánh cắp tài sản trí tuệ của Washington.

Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia đi đầu về phát triển siêu máy tính, từ lâu đã cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực này. Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, Washington từng áp đặt nhiều biện pháp nhằm ngăn các công ty Trung Quốc tiếp xúc với công nghệ, linh kiện máy tính của Mỹ.

Theo New York Times, Mỹ muốn làm "tê liệt" các công ty nghiên cứu và chế tạo siêu máy tính của Trung Quốc. Washington lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng siêu máy tính để ứng dụng vào lĩnh vực quân sự, gồm phát triển vũ khí hạt nhân, mã hóa, phòng thủ tên lửa. Nguy hiểm hơn, Trung Quốc có thể sử dụng chính các công nghệ của Mỹ để phát triển siêu máy tính của nước này.

Năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố hạn chế xuất khẩu đối với 5 công ty phát triển siêu máy tính của Trung Quốc gồm công ty Sugon tại Bắc Kinh cùng 3 chi nhánh và Viện công nghệ Điện toán Vô tích Giang Nam. 

Trung Quốc coi nhẹ đòn trừng phạt của Mỹ

Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 9/4 dẫn lời nhà nghiên cứu Mei Xinyu tại Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho rằng lệnh trừng phạt mới của Mỹ cũng không khác nhiều so với các lệnh trừng phạt trước đây.

Theo ông Mei, Mỹ từng áp đặt nhiều rào cản đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, bao gồm các hệ thống máy tính, và lệnh trừng phạt mới cũng chỉ siết chặt thêm các lệnh trừng phạt hiện thời, thay vì bổ sung thêm lệnh mới.

Ông Mei cho rằng bất chấp sức ép từ Mỹ, các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn đạt được thành tựu trong suốt thời gian qua dưới cái bóng của lệnh trừng phạt.

"Nó giống như muỗi đốt. Các lệnh trừng phạt đã gây phiền toái cho chúng ta trong suốt nhiều năm qua, nên có thêm một lần đốt nữa cũng không vấn đề gì", chuyên gia Trung Quốc tuyên bố.

Ông Mei nhận định việc Mỹ áp thêm lệnh trừng phạt sẽ càng thúc đẩy các công ty Trung Quốc nỗ lực hơn trong việc nghiên cứu và phát triển để thu hẹp khoảng cách về công nghệ trong các lĩnh vực như máy tính và chất bán dẫn.

Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh không ngừng leo thang trong thời gian qua liên quan tới hàng loạt vấn đề.

Đáp trả các lệnh trừng phạt liên tiếp từ Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hồi tháng 3 cho rằng Mỹ đang lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, tìm cách gây sức ép với các công ty công nghệ Trung Quốc để duy trì vị thế độc quyền về khoa học, công nghệ.

"Điều này đã bác bỏ các nguyên tắc kinh tế thị trường mà Mỹ từng tuyên bố là dẫn đầu và bộc lộ đạo đức giả của Mỹ trong việc ca ngợi cái gọi là cạnh tranh công bằng", ông Triệu Lập Kiên tuyên bố.

Thành Đạt

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn


Donald Trump   Kinh tế   New York Times   Nhật Bản   Trump   Trung Quốc   Tổng thống   chuyên gia   căng thẳng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...