11/02/2021 10:20  
Trải qua nhiều biến động về kinh tế - chính trị, Nhật Bản đã quyết định sử dụng Dương lịch thay cho Âm lịch, các lễ hội truyền thống, đặc biệt là Tết, cũng vì vậy mà thay đổi.

Âm lịch – bộ lịch tính thời gian theo chuyển động của Mặt Trăng – đã du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 6 và là phương pháp tính giời gian chính thức của đất nước mặt trời mọc cho đến năm 1873.

Trước khi quyết định sử dụng lịch Dương thay cho lịch Âm, giống như các nước Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn đón Tết vào ngày đầu tiên của năm mới Âm lịch.

Tuy nhiên, vào khoảng những năm 1870, Nhật Bản bước vào cuộc cải cách duy tân của Thiên hoàng Minh Trị. Kinh tế - xã hội nước Nhật lúc này có nhiều chuyển biến quan trọng, đặc biệt âu hóa đã trở thành trào lưu.

Năm 1873, Thiên hoàng Minh Trị quyết định dùng lịch Dương (Gregory) để cả nước sinh hoạt, làm việc phù hợp hơn với các phương Tây.

Thời điểm đó, giới tinh hoa Nhật Bản cho rằng, các phong tục, tập quán của châu Á đều kém cỏi hơn cho với Âu – Mỹ và là lực cản cho sự phát triển của nước Nhật.

Sau quyết định của Thiên hoàng, ngày 03.12.1872 (Âm lịch) đã bị sửa thành ngày 1.1.1873 (Dương lịch). Người dân Nhật từ đó đón Tết theo lịch Dương cho đến ngày nay.

Theo các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, việc đổi lịch Âm sang lịch Dương giúp chính phủ Nhật Bản không phải trả lương tháng 13 cho công chức. Không còn tháng nhuận theo lịch âm, đồng nghĩa với việc ngày nghỉ của người lao động cũng ít đi.

Nguyên nhân quan trọng nhất là vào thế kỷ 19, tâm lý của Nhật Bản là “thần tượng” phương Tây. Nhật Bản cho rằng các nước Âu – Mỹ đã phát triển vượt bậc so với phương Đông. Trung Quốc từng là quốc gia mạnh mẽ nhất châu Á khi đó cũng thua trận liên tiếp trước Anh – Pháp và bị lệ thuộc nặng nề vào phương Tây.

Không muốn đi vào “vết xe đổ” của Trung Quốc, Nhật Bản bắt đầu có tâm lý thoát Trung và Âm lịch ngày càng không được xem trọng như Dương lịch.

Thiên hoàng Minh Trị cho rằng, để bắt kịp phương Tây về kinh tế, trước hết phải bắt kịp họ về thời gian. Vì vậy, Nhật Bản quyết định đổi cách tính thời gian từ Âm lịch sang Dương lịch.

Không giống với Nhật Bản, năm 1912, Trung Quốc áp dụng chính sách song lịch. Theo đó, Dương lịch được sử dụng để tính thời gian cho mọi thứ, trừ các lễ hội truyền thống.

Thực tế cho thấy các nước áp dụng song lịch, giữ Tết Nguyên Đán theo lịch Âm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore vẫn có nền kinh tế phát triển.

Quyết định bãi bỏ Âm lịch của chính phủ Nhật Bản được ban hành quá đột ngột (chưa đầy một tháng trước khi Tết âm đến), khiến người dân không khỏi bất ngờ, bị động.

“Không có thời gian để làm bánh gạo cuối năm. Nhiều người không tự làm bánh gạo theo truyền thống mà đổ xô đi mua bánh gạo bán ở các cửa hàng. Kadomatsu và Shimekazari không xuất hiện trước cửa nhà của nhiều gia đình”, nhà văn Asano Baido miêu tả trong hồi ký của mình.

Kadomatsu (vật trang trí bằng tre) và Shimekazari (vật trang trí bằng dây thừng) là hai thứ không thể thiếu đối với mỗi gia đình Nhật Bản trong dịp năm mới Âm lịch. Từ khi Nhật Bản chuyển sang đón Tết theo Dương lịch, Kadomatsu và Shimekazari hầu như chỉ xuất hiện ở các đền chùa.

Trong bối cảnh dư luận “nháo nhào” vì sự thay đổi lịch, Fukuzawa Yukichi – nhà giáo dục nổi tiếng với tư tưởng cải cách – đã xuất bản một cuốn sách nhỏ, giải thích chi tiết cơ sở khoa học, cách tính ngày, giờ theo Dương lịch. Người dân Nhật Bản sau đó làm quen dần với Dương lịch nhờ cuốn sách này.

Theo Japan Times, ban đầu, quyết định thay đổi lịch của Thiên hoàng vấp phải một số phản đối, đặc biệt là các vùng nông thôn. Tuy nhiên, triều Minh Trị là cơ quan nắm quyền thay đổi lịch của quốc gia. Từ năm 1900 đến nay, gần như 100% các gia đình Nhật Bản đều đón Tết theo lịch Dương.

____________

Sau khi bỏ Tết Nguyên đán và đón năm mới theo Dương lịch, người Nhật Bản ăn Tết ra sao? Liệu Tết Nguyên đán còn tồn tại ở Nhật Bản hay đã biến mất không còn dấu vết? Mời quý độc giả khám phá đề tài thú vị này trong bài kỳ sau, xuất bản lúc 10h ngày 12.2 trên mục Thế giới.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Kinh tế   Mặt Trăng   Nhật Bản   Trung Quốc   Việt Nam   chuyên gia   chính sách  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...