29/10/2020 6:10  
Theo ông Nicolas Audier - Chủ tịch EuroCham: 65 tỷ USD là giá trị thương mại giữa EU và Việt Nam trong năm nay, con số này sẽ tiếp tục tăng. Sự thành công của Việt Nam chính vì Việt Nam là Việt Nam.

Theo ông Nicolas Audier - Chủ tịch EuroCham: Khu vực Liên minh châu Âu (EU) có 27 quốc gia thành viên, với hàng trăm triệu dân và là thị trường tiêu thụ hàng hoá khổng lồ. Hiện nay, nhiều quốc gia đang xếp hàng để tham gia Hiệp định thương mại với EU.

"Ở khu vực chỉ Singapore và Việt Nam có Hiệp định thương mại với EU, nhưng Singapore trong vai trò là trung tâm tài chính, không sản xuất gì lớn thì Việt Nam lại có nhiều lợi thế thúc đẩy sản xuất” - ông Nicolas Audier nói.

Ông Nicolas Audier còn cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là Hiệp định thương mại mang tính “bình đẳng và công bằng”. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hoá vào EU đều phải đảm bảo các yếu tố hàng đầu liên quan đến nguyên liệu xanh và sản xuất bền vững.

Bên cạnh đó, hai ngành mà các doanh nghiệp tại Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đẩy mạnh giao thương tại thị trường EU là thuỷ sản và gỗ, nội thất, với các tiêu chí về đánh bắt, khai thác bền vững.

Chủ tịch EuroCham cho biết, nhiều thành viên Quốc hội châu Âu đang rất quan tâm đến vấn đề lao động tại Việt Nam. Bởi vì, điểm chung của các nhà đầu tư từ EU đều thuộc nhóm chất lượng cao, áp dụng công nghệ tiên tiến… chứ không phải nhằm mục đích tận dụng công nhân giá rẻ.

Vì sao giữa cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, Ấn Độ lại không nhận được nhiều lợi ích từ chuyển dịch đầu tư mà Việt Nam lại có thể? Bởi Việt Nam có đội ngũ chuyên gia hiểu ngành, thấu hiểu rõ nhu cầu của khu vực kinh tế tư nhân và hỗ trợ họ hiệu quả.

“65 tỷ USD là giá trị thương mại giữa EU và Việt Nam trong năm nay, con số này sẽ tiếp tục tăng. Sự thành công của Việt Nam chính vì Việt Nam là Việt Nam. Tôi đã ở Việt Nam hơn 50 năm và rất mong muốn có thể ở lại thêm 30 năm nữa” - Chủ tịch EuroCham chia sẻ.

Ông Koen Soenens - Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Công ty TNHH Quản lý Deep C - chia sẻ rằng nút thắt hiện nay trong vấn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là liên quan đến hạ tầng cơ sở và chi phí của logistic. Thứ hai là nguồn cung lao động và hiệu suất lao động tại Việt Nam.

Ông Koen Soenens cho biết, từ góc nhìn của một nhà đầu tư, hạ tầng phát triển là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Ở phía Bắc, công ty ông có hai khu công nghiệp nằm ở Hải Phòng và Quảng Ninh. Các địa phương này thời gian qua có sự cải thiện mạnh mẽ, rút ngắn khoảng cách đến với các cảng biển...

"Chúng ta cần phải làm thêm nhiều ở Việt Nam. Hiện tại, tôi thấy Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng đã có nhiều chủ động trong cải thiện đầu tư, xây dựng hạ tầng” - ông Koen Soenens nói.

Ông Koen Soenens cũng cho rằng, một trong những vấn đề của hạ tầng là tình trạng kẹt xe nặng nề, nhất là ở TPHCM và Hà Nội. Đây là những yếu tố tác động đến các công ty muốn làm việc tại Việt Nam.

Theo ông Koen Soenens, vấn đề tiếp theo chính là nguồn cung lao động, vì Việt Nam vẫn đang thiếu nhân lực lao động chất lượng cao. Mức lương tháng trung bình của Việt Nam thấp hơn nhiều so với lương trung bình của một số nước.

Bên cạnh đó, hiệu suất lao động ở Việt Nam còn rất thấp, có thể liên quan đến nhiều yếu tố như hệ thống giáo dục đang còn đầu tư, nhiều công ty nhỏ lẻ hoạt động.... Muốn thúc đẩy đầu tư nước ngoài thì phải thay đổi những điều này.

Quế Sơn

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   HCM   Hà Nội   Kinh doanh   TPHCM   Việt Nam   chuyên gia   công nghệ tiên tiến   doanh nghiệp   hành vi   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...