26/10/2020 21:20  
Liên tiếp 2 trường hợp bị viêm cơ tim tối cấp được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng chết lâm sàng. Các bác sĩ đã chạy đua với tử thần đưa các bé từ cõi chết trở về.

Ngày 26/10, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời cứu chữa cho 2 bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp. Sự sống của bệnh nhi tưởng chừng đã vô phương cứu chữa nhưng các bé đã được bác sĩ cứu sống nhờ ứng dụng hệ thống ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo).

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi V.M.P. (13 tuổi, ngụ tại Phú Yên) được bệnh viện địa phương chuyển cấp cứu đến Nhi Đồng 1 lúc 2 giờ 30 ngày 8/10 trong tình trạng thở hước, tim ngừng đập.

Ngay trong đêm, hệ thống báo động đỏ được kích hoạt, các bác sĩ khoa Cấp cứu và khoa Tim mạch phối hợp hồi sức tim phổi và đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để duy trì tính mạng. Một ngày trước trẻ có biểu hiện đau ngực, buồn nôn, nôn nhiều, thở mệt tăng dần khi đi lại nên khám tại Bệnh viện tỉnh Phú Yên. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm cơ tim, sốc tim, block nhĩ thất độ 3 nên quyết định chuyển viện. Sau 12 giờ vận chuyển bằng xe cứu thương, khi đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, trẻ đã ngừng tim.  

Các bác sĩ đã nhanh chóng quyết định sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) điều trị. Lập tức, đội ECMO khoa Hồi sức tích cực được huy động trong đêm để chạy đua cứu sống bệnh nhân. Sau khi thiết lập hệ thống ECMO, khoảng 5 phút sau bé từ tình trạng tím tái, trụy tim mạch đã hồng hào trở lại.

Sau 12 ngày chạy ECMO tại khoa Hồi sức Tích cực, bệnh nhi đã hồi phục, cai ECMO. Hiện tại bé đã tỉnh táo, hồng hào, ăn uống tốt, sắp được xuất viện.

Khi các bác sĩ đang nỗ lực điều trị cho ca bệnh từ Phú Yên chuyển tới thì ngày 13/10 một trường hợp khác bị viêm cơ tim tối cấp tiếp tục nhập viện. Ca bệnh thứ hai là bé L.G.B. (11 tuổi, ngụ tại quận 5, TPHCM). Thời điểm nhập viện, bệnh nhi đã rơi vào tình trạng ngưng tim, ngưng thở, cơ hội sống rất mong manh.   

Trước đó 3 ngày bệnh nhi bị sốt nhẹ, đau ngực và ngất. Cháu được gia đình chuyển đến Bệnh viện quận 5 cấp cứu, qua thăm khám bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi bị rối loạn nhịp tim và chuyển cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi, đặt máy giúp thở, qua nội khí quản, đặt máy tạo nhịp tạm thời và chuẩn bị thực hiện kỹ thuật ECMO cho bệnh nhi. Tuy nhiên, tại bệnh viện chỉ có 1 chiếc máy ECMO và đang sử dụng cho bệnh nhi từ Phú Yên chuyển vào.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã nhanh chóng liên hệ với Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhờ chi viện máy ECMO. Hệ thống tim phổi nhân tạo lập tức được chuyển đến, các bác sĩ đã thiết lập đường dẫn truyền vận hành hệ thống ECMO cho bệnh nhi. Hơn 1 tuần sau, bệnh nhi đã bình phục tốt, cai được ECMO sức khỏe đang diễn tiến khả quan.

Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, việc ứng dụng và ngày càng hoàn thiện kỹ thuật cao ECMO là một trong những bước tiến mới giúp giảm tỷ lệ tử vong. Kỹ thuật ECMO đã mở ra nhiều cơ hội cứu sống ngoạn mục các trường hợp nặng liên quan đến tình trạng ngừng tim, ngừng thở.

Theo phân tích chuyên môn của BS Bạch Văn Cam, Cố vấn khối Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 viêm cơ tim thường do virus gây ra, tình trạng bệnh đa dạng từ không có triệu chứng đến nặng và tử vong. Bệnh nhân bị viêm cơ tim tối cấp thường rơi vào rối loạn nhịp tim, sốc tim, nguy cơ tử vong rất cao. Khoảng 50% bệnh nhân viêm cơ tim có biểu hiện ói, đau bụng, kích thích, vã mồ hôi do máu không đủ cung cấp lên não, kết quả siêu âm bệnh nhân viêm cơ tim thường thấy bóng tim to.

Với các bệnh khác, khi giảm sốt trẻ sẽ bớt bệnh, tỉnh táo hơn, ăn uống được, sức khỏe dần phục hồi, trẻ sẽ chơi đùa trở lại nhưng trường hợp bị viêm cơ tim, bệnh nhi dù đã bớt sốt nhưng sẽ mệt hơn, không chịu ăn, không chịu chơi. Các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi sát tình trạng của trẻ, sớm nhận biết các dấu hiệu của bệnh đưa trẻ đến những bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ trang thiết bị để cứu chữa kịp thời.

Vân Sơn

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   HCM   TPHCM  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...