19/10/2020 14:30  
Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá xếp hạng, Việt Nam là nước ghi nhận mức tăng quyền lực nói chung cao nhất.

Nếu so với năm ngoái, thứ hạng quyền lực của Việt Nam năm 2020 theo Chỉ số Quyền lực tại châu Á (Asia Power Index) của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Lowy (Australia) đã tăng một bậc, vượt qua cả New Zealand. Hiện, Việt Nam đứng thứ 12 trong số 26 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Được biết, có 8 chỉ số thành phần chủ chốt, quyết định thứ bậc của 1 quốc gia trên Asia Power Index, gồm năng lực kinh tế, năng lực quân sự, sức chống chịu trước rủi ro, nguồn tài nguyên cho tương lai, mối quan hệ kinh tế, mạng lưới quốc phòng, tầm ảnh hưởng ngoại giao và tầm ảnh hưởng văn hoá.

Trong năm qua, thứ bậc của Việt Nam được tăng lên, chủ yếu nhờ vào chỉ số thành phần chủ chốt là "tầm ảnh hưởng ngoại giao" tăng 3 bậc so với năm 2019, lên vị trí thứ 9. Theo Viện Lowy, tầm ảnh hưởng ngoại giao của Việt Nam tăng cao nhờ vào việc kiểm soát và ứng phó tốt với đại dịch Covid-19.

Đồng thời, Việt Nam cũng đã tham gia rất hiệu quả trong các diễn đàn và sáng kiến thương mại khu vực, từ việc thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với tư cách Chủ tịch ASEAN, cho đến nỗ lực phục hồi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Ngoài ra, không thể không kể đến sự cải thiện trong năng lực kinh tế lẫn hệ thống quốc phòng, vốn là 2 chỉ số thành phần chủ chốt cũng tăng không kém, lần lượt ở mức 2 và 3 bậc.

Theo Giám đốc Chương trình Ngoại giao và Quyền lực châu Á thuộc Viện Lowy Herve Lemahieu, kiểm soát tốt Covid-19 là điều kiện cần, nhưng không phải là duy nhất để cải thiện vị thế khu vực của một quốc gia ở châu Á. Bằng chứng là vào năm 2019, thứ hạng của Việt Nam cũng tăng 1 bậc trên Asia Power Index, chủ yếu nhờ vào sự cải thiện trong lĩnh vực kinh tế và phát triển nguồn lực.

Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp, vị trí của Việt Nam được cải thiện trên bảng đánh giá xếp hạng này. Xếp trên Việt Nam ở vị trí thứ 10 và 11 trong bảng xếp hạng là Malaysia và Indonesia.

Đồng thời, chia sẻ với tờGuardian Australia,ông Lemahieu nói: "Năm nay, chúng tôi đã chứng kiến sự thay đổi trong cán cân quyền lực tăng tốc, nhưng động lực của điều này lại không đến từ những yếu tố khác mà là từ sự sụt giảm trong các chỉ số. Đây là hậu quả trực tiếp của đại dịch".

Theo đánh giá của Viện Lowy, 3 nơi có điểm số quyền lực tăng mạnh nhất trong năm qua là Việt Nam (+1,3 điểm), Australia (+1,1 điểm) và Đài Loan (+0,8 điểm). Trong khi đó, 3 quốc gia có điểm số giảm mạnh nhất là Mỹ (-3,0 điểm), Malaysia (-2,1 điểm) và Nga (-1,8 điểm).

"Nước Mỹ đã chịu tổn thất lớn nhất về uy tín trong khu vực (châu Á) do phương án xử lý đại dịch Covid-19 ở cả trong nước lẫn quốc tế. Đây là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng, uy tín và khả năng lãnh đạo trên trường quốc tế đều bắt nguồn từ năng lực của các nhà lãnh đạo ở bổn quốc", báo cáo của Viện Lowy viết.

Dù vậy, Mỹ vẫn tiếp tục được đánh giá là quốc gia có tầm ảnh hưởng nhất tại Châu Á, tiếp sau là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn độ và Nga. Như vậy, 5 vị trí dẫn đầu trên Asia Power Index năm nay không thay đổi so với bảng xếp hạng năm 2019.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   Kinh tế   Nhật Bản   Trung Quốc   diễn đàn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...