09/10/2020 14:15  

Báo cáo CRII xếp hạng 158 chính phủ về các chính sách cho dịch vụ công, thuế và lao động - ba lĩnh vực then chốt để giảm bất bình đẳng và giúp vượt qua cơn bão đại dịch Covid-19. Báo cáo được đưa ra trước thềm Hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tuần tới.

Việt Nam cần củng cố thêm các chính sách lấy con người làm trung tâm nhằm giảm bất bình đẳng. Ảnh minh họa: TTXVN

Kết quả của báo cáo chỉ ra rằng chỉ có 26 trong số 158 quốc gia có tỷ lệ chi ngân sách cho y tế đạt mức khuyến nghị 15% trước đại dịch. Trong khi đó, ở 103 quốc gia, cứ ba người lao động thì có ít nhất một người không được hưởng đầy đủ các quyền và biện pháp bảo vệ lao động cơ bản như trợ cấp ốm đau, khi đại dịch xảy ra.

Mức chi tiêu ít ỏi cho dịch vụ y tế công, mạng lưới an sinh xã hội yếu kém và quyền lợi nghèo nàn của người lao động đồng nghĩa với việc phần lớn các quốc gia trên thế giới không được trang bị đầy đủ để đối phó với dịch Covid-19.

Theo bảng xếp hạng CRII năm 2020, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực ASEAN. Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 77 trên tổng số 158 quốc gia. 

Việt Nam được đánh giá cao vì những thành công trong ứng phó với đại dịch Covid-19 từ việc nhanh chóng triển khai những biện pháp ngăn chặn, xét nghiệm, truy vết và cách ly, cũng như truyền thông đại chúng. Việt Nam cũng đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng đói nghèo và bất bình đẳng, thông qua việc triển khai gói cứu trợ trị giá 2,7 tỉ đô la Mỹ cho 20 triệu người dễ bị tổn thương, và chi trả một khoản trợ cấp trị giá 1,8 triệu đồng/tháng cho người lao động bị tạm hoãn hợp đồng.

Những tiến bộ trong thời gian gần đây về các lĩnh vực chính sách hướng tới giảm bất bình đẳng cũng rất ấn tượng. Xét tương quan trong với thế giới và khu vực, Việt Nam đang làm tốt hơn về chi tiêu cho y tế và an sinh xã hội, hiệu suất thu thuế cao, và thúc đẩy các quyền của phụ nữ trong lao động.

Tuy nhiên, phân tích trong báo cáo cũng chỉ ra sự cần thiết phải củng cố các chính sách lấy con người làm trung tâm nhằm giảm bất bình đẳng. Oxfam theo đó khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc các giải pháp chính sách về dịch vụ công, thuế và lao động.

Đối với dịch vụ công, Việt Nam cần tăng mức chi cho giáo dục để đạt mục tiêu ‘Giáo dục cho Tất cả mọi người của toàn cầu’ là 6% GDP, và sử dụng mức chi này trước hết để tăng tỷ lệ người nghèo hoàn thành bậc trung học phổ thông đạt mức 100% vào năm 2030. Cùng với đó là tiếp tục tăng mức chi cho y tế, nhằm đảm bảo 100% bao phủ chăm sóc y tế toàn dân và chấm dứt việc người nghèo phải chi trả tiền túi cho các dịch vụ y tế, và tăng mức chi cho an sinh xã hội để đạt mức bao phủ toàn dân đến năm 2030.

Đối với vấn đề về thuế, Oxfam khuyến nghị Việt Nam tăng thuế luỹ tiến như tăng thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) lên 25% và giảm ưu đãi thuế doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận.

Về phần lao động, Việt Nam cần tăng lương cơ bản lên mức lương đủ sống, tiến tới bao phủ và tiếp cận bảo trợ xã hội toàn dân, đặc biệt là cho lao động phi chính thức và dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, thông qua các luật cho phép thành lập các tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, phù hợp với các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Đồng thời, tạo môi trường thể chế với các chính sách công công bằng hơn, tăng cường sự tham gia và phản hồi của người dân và xã hội dân sự; đồng thời giám sát và giảm bất bình đẳng song song với quá trình giảm nghèo.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   doanh nghiệp   dịch vụ   dịch vụ y tế  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...