11/04/2021 11:46  

SGTOContent"> Số liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa cho thấy Việt Nam luôn có thặng dư thương mại với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản trong khi với Trung Quốc và Hàn Quốc cán cân thương mại luôn âm và xu thế này ngày càng lớn.

Nếu năm 2010 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 12,5 tỉ đô la thì đến năm 2019 nhập siêu từ Trung Quốc là 34 tỉ đô la, tăng 2,7 lần so với năm 2010. Với Hàn Quốc năm 2010 thâm hụt thương mại là 6,6 tỉ đô la thì năm 2019 thâm hụt thương mại lên tới 27,3 tỉ đô la.

Thặng dư thương mại giữa Việt Nam với Mỹ năm 2010 là 10,5 tỉ đô la thì năm 2019 là 47 tỉ đô la. Thặng dư thương mại với EU tăng từ 5 tỉ đô la năm 2010 lên 26,6 tỉ đô la năm 2019 và thặng dư thương mại với Nhật Bản cũng tăng.

Như vậy thặng dư thương mại đến năm 2019 của Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản và EU khoảng 74 tỉ đô la và thâm hụt thương mại với Trung Quốc và Hàn Quốc khoảng 61,3 tỉ đô la (1).

Theo số liệu ước tính năm 2020, xuất nhập khẩu với EU có giảm đôi chút (xuất khẩu giảm khoảng 15% và nhập khẩu giảm khoảng 2%). Xuất khẩu sang Mỹ so với năm 2019 tăng rất mạnh (26%) nhưng nhập khẩu lại giảm khoảng 5%, nên thặng dư thương mại với Mỹ năm 2020 so với năm 2019 tăng khoảng 35% (từ 46,9 tỉ đô la lên 63,1 tỉ đô la).

Trong khi đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc và Hàn Quốc năm 2020 so với năm 2019 tăng khoảng 3% (từ 61,3 lên 63 tỉ đô la). Như vậy thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tương đương con số thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ và EU cơ bản là sản phẩm Việt Nam sản xuất gia công (điện thoại và linh kiện chiếm khoảng 15% trong tổng xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ và sản phẩm cho tiêu dùng cuối cùng như dệt may, giày da chiếm 35% tổng xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ).

Tính toán sơ bộ từ mô hình cân bằng tổng thể liên quốc gia từ số liệu của OECD (inter-country input - output model) của Việt Nam, EU, Mỹ và Trung Quốc về sự lan tỏa của sản phẩm cuối cùng và nhu cầu cuối cùng của mỗi quốc gia đến giá trị sản xuất của quốc gia đó và các quốc gia có quan hệ thương mại.

Một trong những kết quả sơ bộ cho thấy Việt Nam xuất khẩu những sản phẩm gia công và những sản phẩm cơ bản cho tiêu dùng cuối cùng không lan tỏa nhiều đến sản xuất và giá trị tăng thêm của Việt Nam, mà lan tỏa đến sản xuất và giá trị gia tăng của những nước mà Việt Nam nhập nguyên liệu làm đầu vào cho những sản phẩm gia công này.

Một điều đáng chú ý là nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc trong nhiều năm nay có khoảng 60% đi vào chi chi phí trung gian, 30% cho tích lũy tài sản (gross capital formation) và chỉ 10% cho tiêu dùng cuối cùng của dân cư Việt Nam.

Từ đó, có thể thấy việc xuất siêu của Việt Nam với Mỹ và EU trong quan hệ thương mại có thể lan tỏa mạnh đến sản lượng và thu nhập của Trung Quốc. Như vậy, vấn đề là xuất khẩu sản phẩm gì mới quan trọng và đáng được coi là thành tích. Nếu chỉ xuất khẩu sản phẩm gia công cho các nước khác thì ý nghĩa của việc xuất khẩu sẽ không nhiều và quốc gia được hưởng lợi từ “thành tích” xuất khẩu của Việt Nam có thể là Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.

Hiện Tổng cục Thống kê đang nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, cố gắng tìm, định lượng bằng chứng cho vấn đề này và đưa ra một số hàm ý chính sách để cấu trúc lại nền kinh tế sao cho nền kinh tế phát triển hài hòa và bền vững.

(1) Số liệu chính thức công bố trên trang web và niên giám của TCTK có đến năm 2019

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Nhật Bản   Trung Quốc   Tổng cục   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...