19/01/2021 7:05  
Năm 1972, tại vùng Sagami Harashi (tỉnh Kanagawa, Nhật Bản), rất nhiều người dân đã xuống đường ngăn quân đội Mỹ chuyển những chiếc xe tăng M48 và khí tài từ các căn cứ quân sự tại Nhật Bản mang đến phục vụ chiến tranh ở Việt Nam. Họ đã cùng nhau hát ca khúc Sensha wa ugokenai (Hãy chặn chiến xa lại) nhằm phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Một trong những người nhiệt huyết tham gia hoạt động ấy là nữ ca sĩ Yokoi Kumiko.
Năm 1973, nữ ca sĩ người Nhật này quyết định đến Việt Nam trong 2 tuần để cất cao tiếng hát phản chiến. Cô biểu diễn tại rạp Hồng Hà (Hà Nội) và đi vào khu vực chiến trường Trị Thiên phục vụ bộ đội ta ngay tại trận địa pháo ở Quảng Bình. Trong số những ca khúc cô hát, không thể thiếu Hãy chặn chiến xa lại. Trở về sau chuyến lưu diễn và cảm nhận được sự khốc liệt từ cuộc chiến ở Việt Nam, nữ ca sĩ Yokoi Kumiko tiếp tục dùng tiếng hát phản chiến của mình biểu diễn nhiều nơi ở Nhật Bản và một số nước khác.
Năm 1994, Yokoi Kumiko quay lại Việt Nam biểu diễn tại Hà Nội. Nhiều năm sau đó, bà tiếp tục đến Việt Nam để thực hiện những chương trình thiện nguyện, vận động giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, nhất là trẻ em ở Hà Nội, Thừa Thiên-Huế… Năm 2005, Yokoi Kumiko được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị quốc tế.
Năm 2007, Yokoi Kumiko cùng đoàn thiện nguyện Nhật Bản đến thăm và giao lưu với các em có hoàn cảnh đặc biệt ở làng Hòa Bình, TP.Huế. Tại đây, Kumiko đã gặp vị “khán giả đặc biệt” Trần Phương Liên của mình. Thuở nhỏ, Trần Phương Liên theo bố mẹ ra Hà Nội tập kết. Năm 4 tuổi, cô bé Liên bị liệt sau một trận sốt. Từ hầm tránh đạn, cô bé thường xuyên được nghe rồi yêu thích những ca từ trong Hãy chặn chiến xa lại dẫu chẳng hiểu gì nhiều về nội dung. Sau giải phóng, Trần Phương Liên trở về Huế đi học, đỗ đại học nhưng ra trường không xin được việc do khuyết tật, đành mưu sinh với tủ thuốc lá ở vỉa hè trước nhà. Rồi Phương Liên tự học tiếng Nhật và được một số giáo viên Nhật Bản giúp đỡ, trở thành giáo viên dạy Nhật ngữ ở TP.Huế. Năm 2003, bà Liên là một trong những sáng lập viên của Hội Ái hữu Việt - Nhật. Từ mối quan hệ của mình, bà Liên quyết thực hiện điều hằng ấp ủ từ nhỏ: Kết nối với cô ca sĩ người Nhật từng hát Hãy chặn chiến xa lại. Sau một thời gian kiên trì, bà Liên được một giáo sư người Nhật giúp đỡ, cung cấp địa chỉ email của cô Yokoi Kumiko. Năm 2006, bức thư bằng tiếng Nhật của “khán giả đặc biệt” ái mộ danh ca Yokoi Kumiko được gửi đi từ TP.Huế và không lâu sau đã nhận được hồi đáp. Họ hẹn gặp nhau tại Huế.
Tháng 5.2008, nhân sự kiện kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, danh ca Yokoi Kumiko đến Huế biểu diễn, kể lại mối lương duyên của mình với Việt Nam, trong đó có mối duyên kỳ ngộ với cô giáo khuyết tật Trần Phương Liên. Cũng từ mối quan hệ với cô giáo Liên, sau này Yokoi Kumiko thường xuyên sang Việt Nam và đến Huế để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, dạy nhạc, giao lưu văn hóa với học sinh…
Tháng 7.2019, cô giáo Liên được Yokoi Kumiko mời sang Nhật Bản cùng tham gia chương trình hòa nhạc nhân kỷ niệm 50 năm sự nghiệp ca hát của danh ca này. Lần ấy, Yokoi Kumiko hẹn năm 2020 sang Việt Nam tiếp tục các chương trình thiện nguyện, nhưng rồi đại dịch Covid-19 đã gây trở ngại và bệnh tình của nữ danh ca Nhật ngày một nặng hơn.
“Xin vĩnh biệt ca sĩ Yokoi Kumiko - người bạn Nhật tuyệt vời, nhân hậu của chúng tôi!”, cô giáo Trần Phương Liên bùi ngùi.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   Hà Nội   Nhật Bản   Việt Nam   khán giả  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...