07/03/2021 9:46  

TOSuperTitle"> Thị trường chứng khoán Việt Nam trước nỗi lo mới

Theo Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), chỉ số VnIndex mất 7 lần để mới vượt được ngưỡng 1.000 điểm trong giai đoạn 2018-2020. Với ngưỡng 1.200, chỉ số VnIndex đã có lần tiệm cận thử mốc này trong các năm 2007, 2018 và tháng 1-2021 đều thất bại và tạo điểm gãy trong xu hướng khiến số đông nhà đầu tư thua lỗ.

Đơn vị này cũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có nhiều biến động hơn so với thời điểm tháng 4-2018 khi chỉ số VnIndex tiếp cận mốc 1.200 điểm, do số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ở mức rất cao. 

Ngoài ra, thị trường có thể đối mặt với rủi ro lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2021 tăng khoảng 1,52% so với tháng 1. Mức tăng này được SSI Research đánh giá là khá cao nếu chỉ nhìn vào số tuyệt đối.

Còn nếu loại trừ các sự kiện có ảnh hưởng lớn với chỉ số CPI, gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dừng giảm giá điện, giá lương thực thực phẩm tăng trong dịp Tết Nguyên đán, tăng giá xăng dầu thì chỉ số CPI hai tháng đầu năm 2021 giảm 0,14% so với cùng giai đoạn năm trước. Nhưng như vậy không có nghĩa là không có áp lực về lạm phát, theo SSI Research.

Tương tự, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh trong quý 2 và 3 với mức nền thấp trong năm 2020 do giá xăng bán lẻ tạo đáy dưới tác động của dịch Covid-19.

Đơn vị này ước tính chỉ số CPI bình quân năm 2021 có thể tăng hơn 4% nếu giá xăng RON95 bình quân năm 2021 tăng 30% so với năm 2020, đạt mức 20.500 đồng một lít.

“Nếu rủi ro này xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước có thể phải áp dụng các chính sách tiền tệ thận trọng như tăng lãi suất, giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để để kiềm chế lạm phát, qua đó sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến dòng tiền trên thị trường cổ phiếu”, KBSV phân tích.

Về rủi ro vĩ mô, SSI Research cho biết triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới khiến dòng vốn có xu hướng dịch chuyển về các thị trường phát triển. Đồng thời làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Trước đó, dòng vốn đầu tư toàn cầu đã rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi nhỏ và thị trường cận biên như Malaysia, Philippine, Thái Lan trong tháng 2-2021.

Với thị trường Việt Nam, dòng vốn đầu tư đã rút ròng mạnh ở cả quỹ chủ động và ETF trong nửa cuối tháng 2-2021. Cụ thể, quỹ VFM VN30 đã bị rút ròng 673 tỉ đồng trong tháng 2-2021 do nhà đầu tư Hàn Quốc rút tiền khỏi quỹ KIM Kindex Vietnam VN30 ETF.

Còn dòng vốn chủ động bị rút ròng gần 20 triệu  đô la Mỹ, ghi nhận tháng thứ sáu bị rút ròng liên tiếp.

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hiện ở mức gần 1,5% - tăng khoảng 0,6% tính từ đầu năm tới nay và cao hơn 1% so với mức đáy của năm 2020.

Theo SSI Research, diễn biến này và việc lạm phát gia tăng trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản tăng cao có thể khiến các ngân hàng trung ương rút lại các biện pháp nới lỏng tiền tệ.

Về rủi ro kỹ thuật, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, hệ thống giao dịch trên sàn HOSE thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải có thể hạn chế đà tăng của chỉ số VnIndex, do các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc giao dịch.

Nhiều giải pháp ngắn hạn nhằm giảm tình trạng nghẽn lệnh, gồm: tăng số lượng giao dịch tối thiếu từ 10 lên 100 cổ phiếu một lô, chuyển một số cổ phiếu từ sàn HOSE sang HNX đã được đưa ra, nhưng mức độ hiệu quả hiện chưa được kiểm chứng, theo VDSC.

Những điểm cộng

SSI Research cho biết, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE trong quý 4-2020 và thông tin cụ thể về khả năng tiếp cận vaccine Covid-19 là những yếu tố nâng đỡ thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 4-2020 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội, gồm: ngân hàng tăng 28,4%, bất động sản tăng 10,7%, tài nguyên cơ bản tăng 222%, dịch vụ tài chính tăng 150%.

Theo SSI Research, kết quả này cho thấy các doanh nghiệp có thị trường nội địa đã nhanh chóng phục hồi và thích nghi trong điều kiện mới sau những khó khăn ban đầu từ dịch bệnh.

“Đây là bước đệm để các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong hai quý đầu năm 2021 so với nền tảng thấp ở quý 1 và 2-2020, qua đó thị trường chứng khoán sẽ nhận được tác động tích cực”, SSI Research cho biết.

Còn VDSC cho rằng mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục tạo lợi thế cho kênh chứng khoán. Theo đó, lãi suất huy động kì hạn 6-12 tháng của toàn ngành ngân hàng vẫn dao động trong khoảng 4-6% trong tháng 2-2021, thấp hơn so với mức trung bình 6,15% của tháng 2-2020 và gần như đi ngang so với tháng trước.

Về kinh tế vĩ mô, SSI Research cho biết số liệu hai tháng đầu năm 2021 cho thấy những tín hiệu lạc quan khi kim ngạch xuất khẩu, chỉ sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa sau khi loại trừ lạm phát đều tăng cao hơn so với cùng giai đoạn của năm 2020.

Ngoài ra, tháng 3-2021 là thời điểm Việt Nam đã kiểm soát thành công đợt bùng phát thứ ba của dịch Covid-19 với việc hầu hết các địa phương đều nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội.

Vì vậy, cơ hội để tăng trưởng GDP quý 1-2021 có thể cao hơn cùng kỳ năm 2020 là khá rõ ràng.

Dự báo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam, SSI Research cho biết chỉ số VnIndex vẫn sẽ hướng đến và thử thách tại vùng 1.200 điểm trong thời gian tới, với động lực từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Còn VDSC cho rằng chỉ số VnIndex sẽ phải “vật lộn” với mốc 1.200 điểm trong ngắn hạn do các vấn đề nội tại của thị trường Việt Nam và biến động của thị trường toàn cầu trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ tăng trở lại.

Đơn vị này dự báo VnIndex có thể dao động trong khoảng 1.070 - 1.250 điểm.
 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   HOSE   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...