26/10/2020 15:50  
Khánh HòaHai vợ chồng cùng 36 tuổi, ngộ độc do ăn pate Minh Chay, sau ba tháng điều trị người vợ xuất viện, chồng cai máy thở.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, ngày 26/10 cho biết: "Trong ba tháng, hai bệnh nhân này đã chiến đấu kiên cường để sinh tồn và phục hồi ngoạn mục nhờ sự nỗ lực của các y bác sĩ nhiều bệnh viện, đơn vị".

Bác sĩ cho biết thêm quá trình phục hồi của hai bệnh nhân tiến triển chậm và rất gian nan, có lúc tưởng chừng phải buông xuôi.

Hai vợ chồng cùng ăn pate Minh Chay ngày 19/7, hôm sau bắt đầu nôn ói, chóng mặt, mờ mắt, nói đớ, nuốt khó, khó thở, sụp mi mắt. Từ ngày 24/7 đến 26/8, bệnh diễn tiến xấu, cả hai được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, điều trị. Khi vào Chợ Rẫy, cả hai sụp mi mắt hoàn toàn, nói khó, nuốt khó, yếu tứ chi, sức cơ còn 2 đến 4/5. Sau đó họ khó thở tăng dần, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản, thở máy.

Khi cơn nguy kịch tạm qua, hai vợ chồng được chuyển về lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa ngày 26/8. Lúc này cả hai đã tỉnh táo, tiếp xúc được, song phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, cơ teo rút, sức cơ tứ chi kém, nhiễm viêm phổi bệnh viện.

Theo bác sĩ Kỷ, khi đó Bộ Y tế vẫn chưa có khuyến cáo về tình trạng ngộ độc botulinum trong pate Minh Chay. Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc vẫn xác định đây là bệnh nhân quan trọng, yếu tố nguy cơ đặc biệt cần tiếp tục nỗ lực cứu chữa, chăm sóc tích cực với tinh thần "còn nước còn tát".

Việc tìm ra liệu trình điều trị cho các bệnh nhân cũng khiến bác sĩ đau đầu. Lúc ấy, bác sĩ chưa xác định được căn nguyên bệnh, chỉ có thể điều trị triệu chứng, trọng điểm là hỗ trợ hô hấp. Người vợ đang mang thai 24 tuần, thai phát triển tốt nên việc lựa chọn thuốc điều trị thích hợp rất khó khăn.

Người chồng nhiễm độc nặng hơn vợ. Anh bị viêm phổi bệnh viện do tác nhân đa kháng kháng sinh trên cơ địa lồng ngực hạn chế bẩm sinh. Bệnh nhân còn tăng huyết áp khó kiểm soát diễn biến phù phổi cấp liên tục, bác sĩ gặp khó khăn trong chẩn đoán và lựa chọn liệu pháp điều trị. Quá trình điều trị, anh thường xuyên chuyển nặng, suy hô hấp, thở máy hỗ trợ hoàn toàn với áp lực cao. Anh buộc phải sử dụng kháng sinh mạnh dẫn đến tác dụng phụ là bị suy thận cấp.

Cả hai thể trạng suy kiệt, khả năng hấp thu kém do liệt lâu không vận động. Các bác sĩ xây dựng chế độ dinh dưỡng chuyên biệt kết hợp vật lý trị liệu hàng ngày để duy trì chức năng vận động tối thiểu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, thở máy hỗ trợ và áp dụng nhiều liệu trình cũng không làm sức khỏe các bệnh nhân cải thiện hơn.

Đến cuối tháng 8, Bộ Y tế phát đi cảnh báo về pate Minh Chay gây ngộ độc cấp cho nhiều người trên cả nước. Nguyên nhân gây ngộ độc cho hai vợ chồng được xác định là do khuẩn botulinum từ pate Minh Chay, song cái khó là Việt Nam không có thuốc giải độc. Sau đó, một lọ thuốc giải độc botulinum được WHO tài trợ từ Thụy Sĩ được Bệnh viện Bạch Mai phân phối đến Khánh Hoà.

"Cả khoa Hồi sức tích cực - Chống độc khi ấy thức trắng đêm mong chờ lọ thuốc giải độc đặc hiệu. Song lại nảy sinh một vấn đề hóc búa: hai bệnh nhân ngộ độc nhưng chỉ duy nhất một lọ thuốc giải, nên ưu tiên dùng cho ai?", bác sĩ Kỷ nhớ lại.

Để giải quyết vấn đề, một hội đồng chuyên môn được thành lập, kết nối với Hội đồng thuộc Bộ Y tế nhằm đưa ra quyết định chọn lựa bệnh nhân. Cuối cùng, các bác sĩ quyết định dùng thuốc cho người chồng - người ngộ độc nặng hơn, vào ngày 12/9. Quyết định này nhận được sự ủng hộ của cả bệnh nhân, gia đình và tập thể y bác sĩ bệnh nhân.

Các bác sĩ kiên trì bám sát từng thay đổi nhỏ của bệnh nhân, tìm kiếm tài liệu y văn về các thuốc hỗ trợ phục hồi dẫn truyền thần kinh bị tổn thương. Các dấu hiệu tích cực dần xuất hiện. Người vợ cai được máy thở trước chồng, sức cơ phục hồi tốt. Đây được xem là "dấu hiệu vàng" để các bác sĩ quyết định rút ống thở, cho bệnh nhân tự thở hoàn toàn. Chị phục hồi tốt, xuất viện ngày 22/10, tiếp tục tập vật lý trị liệu tại nhà.

Người chồng vừa dùng thuốc giải độc vừa tiếp tục điều trị viêm phổi, suy thận cấp do thuốc, các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng dần thay đổi tích cực hơn. Bệnh nhân bắt đầu phục hồi khả năng hô hấp. Mới đây, anh được rút ống thở, cai thở máy thành công, tinh thần cải thiện theo sự hồi phục của cơ thể, không còn tư tưởng chán nản và muốn bỏ cuộc nữa. Hiện, anh vẫn điều trị tại bệnh viện.

Cả nước từ tháng 7 đến nay ghi nhận 16 người ngộ độc botulinum nặng tại Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Quảng Nam. Tất cả đều khởi phát triệu chứng ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Ngoài ra, còn nhiều người khác ngộ độc nhẹ hơn, chỉ mỏi và yếu cơ, đã được điều trị cải thiện.

Thư Anh

Nguồn tin: vnexpress.net


Bệnh viện   Bệnh viện Đa khoa   HCM   Hà Nội   Việt Nam   Đa khoa   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...