11/10/2020 12:15  
Content_lblContentHtml">
Các giải pháp liên quan đến công nghệ tài chính (fintech) thường nhận được nhiều sự chú ý của giới đầu tư mạo hiểm. Trong ảnh minh họa là khách hàng sử dụng ví điện tử để thanh toán hóa đơn tại cửa hàng tiện lợi. Ảnh: MoMo

220 triệu đô la vốn mạo hiểm trong nửa năm

Covid-19 bùng nổ từ đầu năm 2020 khiến thị trường chứng kiến sự sụt giảm trong dòng vốn đầu tư mạo hiểm trên thị trường Việt Nam, theo báo cáo của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố vào đầu tháng 10.

Theo đó, lượng vốn đầu tư mạo hiểm trong nửa đầu năm nay ước đạt 222 triệu đô la, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do là vì sự hạn chế đi lại và những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu làm gián đoạn các hoạt động giao dịch.

Cũng trong nửa đầu năm 2020, ngành bán lẻ tiếp tục là kênh dẫn đầu về “hút vốn” mạo hiểm với khoảng 64 triệu đô la. Thị trường cũng chứng kiến dòng vốn tài trợ chảy vào các lĩnh vực mới nổi như việc làm, bất động sản hay cơ sở hạ tầng.

Tuy dòng vốn đầu tư mạo hiểm giảm vì Covid-19, nhưng các startup giải quyết bài toán thị trường vẫn nhận được nhiều sự chú ý,  dù phần lớn là những thương vụ đã được thảo luận từ năm trước.

Nguồn: Cento Ventures và Do Ventures

 

Chẳng hạn, Do Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam mới thành lập với quy mô 50 triệu đô la công bố khoản đầu tư 20 tỉ đồng rót vào F99, nền tảng bán trái cây trực tuyến kết nối trực tiếp với nông dân.

Lĩnh vực tài chính cũng tiếp tục không kém cạnh với hàng loạt thương vụ đáng chú ý. Ví dụ ba quỹ đầu tư gồm Patamar Capital, Viet Capital Ventures và East Ventures công bố rót vốn vào Kim An, một fintech hoạt động trong lĩnh vực kết nối khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể với ngân hàng.

Một điểm nhấn khác là khoản đầu tư sở hữu 30% cổ phần của Probus Opportunities và Digi Ventures vào chuỗi cầm đồ Vietmoney, với tham vọng thay đổi hoạt động cầm đồ truyền thống bằng ứng dụng công nghệ.

Các giải pháp liên quan đến tài chính cũng nhận được nhiều sự chú ý. Chẳng hạn như Wee Digital, một nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) chuyên cung cấp giải pháp sinh trắc học cho các định chế tài chính, đã nhận khoản vốn từ quỹ InterVest (Hàn Quốc); hay Computer Vision Vietnam, cung cấp giải pháp định danh điện tử (eKYC), cũng nhận được khoản vốn từ Tập đoàn NextTech và Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Next100.

Giải pháp sinh trắc học được hứa hẹn mở ra cánh cửa mới cho chuyển đổi số ở nhiều ngành nghề, nhất là ngành ngân hàng. Ảnh minh họa: Wee Digital

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, lĩnh vực y tế trong năm nay nhận được nhiều sự chú ý với quy mô đầu tư lớn, chẳng hạn như 2,5 triệu đô la rót vào BuyMed, sàn phân phối thuốc; ứng dụng cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe eDoctor nhận 1,2 triệu đô la từ 4 quỹ đầu tư.

Lĩnh vực nhân sự cũng nhận được nhiều sự chú ý. Chẳng hạn như NextTech Group và quỹ đầu tư khởi nghiệp Next100 hoàn tất hai thương vụ đầu tư vào nền tảng tuyển dụng nhân sự TopCV và Chatbot.

Trước đó, BravoHR, ứng dụng công nghệ cung cấp giải pháp gắn kết nhân sự và quản lý phúc lợi, công bố gọi vốn thành công từ hai quỹ đầu tư mạo hiểm Zone Startups Vietnam và 1005 Ventures.

Trong lĩnh vực giáo dục, Galaxy Media and Entertainment hồi giữa năm công bố đầu tư vào nền tảng học trực tuyến Hocmai, được vận hành từ năm 2007.

Trước đó, năm 2019 được coi là năm bùng nổ của dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam, với 861 triệu đô la (tăng 92% so với cùng kỳ) với 123 thương vụ, nhiều gấp đôi so với năm 2018.

Số lượng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng vọt lên con số kỷ lục 109, trong đó các quỹ mạo hiểm quan tâm và chiếm số lượng nhiều nhất là Hàn Quốc, tiếp theo là Singapore và Nhật Bản.

Báo cáo cũng cho thấy trong nửa đầu năm 2020, các nhà đầu tư mới tham vào thị trường rất hạn chế, chủ yếu là các nhà đầu tư năng động và có mặt từ năm ngoái. Theo đó, các giao dịch được thực hiện đa phần bởi các nhà đầu tư nội và nhà đầu tư nước ngoài có nhân sự tại Việt Nam.

Cơ hội nào cho 2021?

Mặc dù dòng vốn đầu tư giảm xuống vì Covid-19, nhưng đa phần các startup nhận vốn đều được các quỹ đầu tư mạo hiểm nhận xét rất tích cực về thị trường Việt Nam.

Theo đó, giới đầu tư vẫn đánh giá cao thị trường nói chung và các công ty khởi nghiệp tiềm năng có sản phẩm giúp giải quyết bài toán thị trường, hay sở hữu những giải pháp mang tính đột phá hoặc có lợi thế cạnh tranh bền vững.

Chẳng hạn, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Talentnet, phó chủ tịch Hội nữ doanh nhân TPHCM đánh giá việc một startup công nghệ tham gia vào lĩnh vực nhân sự là một bước tiến dài trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam. Đại diện BravoHR cho biết startup này hiện đang là đối tác với các khách hàng lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau như chuỗi nhà hàng McDonald’s Việt Nam, tập đoàn Philip Morris, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, công ty PNJ Watch.

Còn theo Shark Dzũng, Giám đốc điều hành của Do Ventures, đánh giá thị trường bán lẻ thực phẩm nhiều tiềm năng nhưng không dễ cho việc áp dụng công nghệ vào để đổi mới mà trong đó F99 sẽ là startup tiên phong.

Quá trình chuyển đổi số và thoát khỏi mô hình kinh doanh cũ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm. Ảnh minh họa: TTXVN

Ở lĩnh vực fintech, bà Shuyin Tang, đại diện cho Quỹ đầu tư Patamar, đánh giá Kim An là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay hợp lý.  “Tuy các dịch vụ hỗ trợ tài chính phục vụ phân khúc này đang ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi, nhưng thị trường Việt Nam vẫn vắng bóng các giải pháp thực sự hiệu quả”, đại diện quỹ cho biết.

Thông tin từ Kim An cho biết sau gần 2 năm hợp tác với ngân hàng, fintech này đã kết nối được 25.000 hồ sơ vay với ngân hàng, và tiềm năng vẫn còn rất lớn với hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể.

Một lĩnh vực mới mẻ là cầm đồ cũng được đánh giá cao. Theo đó, ông Marc Sebastien Lavoie, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Probus Opportunities, đánh giá cao về tiềm năng phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam nói chung và ngành cầm đồ nói riêng, với hơn 50% dân số Việt Nam nằm ở phân phúc dưới chuẩn cần được tiếp cận các dịch vụ tài chính minh bạch với chi phí hợp lý.

Nguồn: Cento Ventures và Do Ventures

Theo khảo sát của Do Ventures với 50 quỹ ở 6 thị trường chính khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan), Việt Nam đứng đầu lựa chọn về điểm đến đầu tư trong 12 tháng tiếp theo, xếp sau là Indonesia.

Theo đó, tâm lý “hưng phấn” đầu tư tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Các quỹ khảo sát dự kiến có khoảng 117-200 thương vụ trong vòng 12 tới, trong đó gần 80% các nhà đầu tư lên kế hoạch triển khai từ 1-5 giao dịch.

Đáng chú ý là các lĩnh vực “hot” tiếp theo được nhà đầu tư chú ý ở Việt Nam là giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tài chính.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   HCM   Nhật Bản   TPHCM   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   dịch vụ y tế   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...