01/04/2021 21:12  
Trả lời báo chí và phụ huynh chiều ngày 1/4, Hiệu trưởng Học viện Múa cho biết nhà trường đã "quên" không đăng ký mã định danh dạy học trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh, nên các em không có bằng.

273 học sinh tốt nghiệp "3 không"

Vụ việc 325 học viên Học viện Múa Việt Nam đã làm đơn "kêu cứu" gửi tới các cơ quan chức năng và báo chí đang được dư luận quan tâm. Ngay sau khi nắm bắt thông tin, báo Dân trí đã liên lạc với nhà trường và các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc.

Chiều ngày 1/4, lãnh đạo Học viện Múa đã làm việc với báo chí, trả lời về vụ việc từ góc độ quản lý trực tiếp.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Học viện Múa Việt Nam là ông Trần Văn Hải cho biết, trường đã có lịch sử 60 năm đào tạo và khẳng định Học viện Múa đào tạo đúng quy định Nhà nước ban hành.

Theo ông Hải trước năm 2013, Học viện Múa Việt Nam (tiền thân là Cao đẳng Múa Việt Nam) chỉ đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp. Đến năm 2013, Cao đẳng Múa Việt Nam cũ đã đăng ký tuyển sinh bậc cao đẳng diễn viên múa với 2 thời hạn đào tạo là 6,5 năm và 4,5 năm. Đây là chương trình đào tạo đặc thù từ trung cấp lên thẳng cao đẳng, được cấu trúc theo 2 giai đoạn.

"Đây là chương trình đào tạo đặc thù từ trước tới nay chưa có, nhằm hướng tới quyền lợi của học sinh, để học sinh ra trường có bằng cao đẳng, có thêm nhiều quyền lợi sau khi ra trường. Chủ trương này Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT phê duyệt", ông Hải nói.

Song song với đào tạo nghề nghiệp múa, nhà trường cùng đào tạo văn hóa phổ thông ở bậc học cấp 2 và cấp 3. Chương trình này tương đương với chương trình học văn hóa phổ thông hiện hành của Bộ GD&ĐT, chỉ khác là bỏ môn thể dục "vì các em học múa chương trình vận động còn nặng hơn học thể dục".

Học sinh học tại Học viện Múa học chuyên ngành múa vào buổi sáng, học văn hóa vào buổi chiều. Lịch học nặng gấp đôi học sinh bình thường. Các em cũng tham gia đầy đủ các kỳ thi hết năm, thi cuối cấp do nhà trường tổ chức nhưng không được cấp bằng đầy đủ.

Cụ thể, 2 khóa học sinh tốt nghiệp năm 2019 và 2020 gồm 273 em chỉ nhận bằng tốt nghiệp hệ cao đẳng, mà không có bằng tốt nghiệp trung cấp, cũng như bằng THCS và THPT. Nói một cách dễ hiểu, các học sinh này không tốt nghiệp trung cấp nhưng lại tốt nghiệp cao đẳng nghề; thêm vào đó là học sinh có học văn hóa, có thi nhưng không có bằng tốt nghiệp cấp 2 và cấp 3.

Nhà trường "quên" đăng ký mã định danh đào tạo trung cấp 

Tại buổi làm việc, đại diện phụ huynh của 325 học sinh (gồm cả HS đã tốt nghiệp và đang học tại trường) có đơn "kêu cứu" gửi báo chí bức xúc nói rằng vụ việc học sinh ra trường không có đủ bằng cấp đã xảy ra từ 3 năm trước.

Phụ huynh đã nhiều lần kiến nghị với nhà trường, với các Bộ, ngành nhưng không được giải quyết. Hệ quả là nhiều học sinh ra trường không thể học lên trình độ cao hơn, hoặc không xin được việc làm vì thiếu văn bằng cần thiết.

Chị Thu Thủy, phụ huynh học sinh đang học tại trường nói: "Biết được thông tin nhà trường không cấp 3 loại bằng cần thiết như trên, tôi và con rất lo lắng. Tôi đi hỏi nhiều nơi nói là không có bằng thì khi ra ngoài xã hội, đồng nghĩa với việc con tôi thất học".

Giải thích về việc nhà trường không cấp bằng tốt nghiệp THCS và THPT cho học sinh, ông Trần Văn Hải nói rằng học sinh tuyển vào học trung cấp chuyên nghiệp theo ngạch 3 từ năm 2017 trở về trước là không cần cấp bằng THCS do bằng trung cấp đã tương đương với tốt nghiệp THCS.

Tuy vậy từ năm 2013, khi tổ chức dạy học trung cấp liên thông cao đẳng cho học sinh độ tuổi 11-12 (vào học lớp 6 và học hết lớp 6) đồng thời dạy văn hóa THCS và THPT, nhà trường đã để xảy ra nhiều vấn đề mà theo vị giám đốc này gọi là "vấn đề của thời kỳ trước".

Giám đốc Trần Văn Hải nói: "Việc đào tạo văn hóa phổ thông trong Học viện Múa là đặc thù, phục vụ cho việc đào tạo cho các em từ khi còn bé. Tuy nhiên đã có "lỗi kĩ thuật" khi thực hiện vì trường đã không làm việc rõ ràng với Bộ GD&ĐT".

"Cao đẳng Múa Việt Nam trước đây đã "quên" không đăng ký đầu vào trung cấp đối với các học sinh học hệ cao đẳng với Bộ GD&ĐT. Do vậy, khi các em ra trường, một số em chỉ có bằng cao đẳng", ông Hải nói.

Còn đối với vấn đề vì sao nhà trường không cấp bằng văn hóa cho học sinh sau khi đã tổ chức dạy học, ông Hải đáp vòng vo, không có câu trả lời thuyết phục.

Nhà trường không thể cấp bằng THCS, THPT

Ông Trần Văn Hải cho biết, nhà trường đã làm việc với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục & Đào tạo để giải quyết vấn đề cấp bằng cho học sinh.

Theo nhà trường thống kê, 273 học sinh đã học theo hệ trung cấp liên thông lên cao đẳng, không có bằng trung cấp. Các học sinh nhập học năm 2014, 2015, 2016 hiện đang học hệ trung cấp liên thông cao đẳng trong trường cũng sẽ gặp vướng mắc tương tự.

Trước thông tin Giám đốc Học viện Múa đưa ra, phụ huynh học sinh đòi hỏi làm rõ cách thức và thời hạn giải quyết vấn đề bằng cấp cho học sinh.

Cách giải quyết là nhà trường đang kiến nghị lên 2 Bộ là cho phép Học viện Múa Việt Nam in phôi bằng và cấp bù bằng cho học sinh đã tốt nghiệp cao đẳng nhưng chưa có bằng trung cấp chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, với yêu cầu của phụ huynh là học sinh cần có bằng tốt nghiệp THCS và THPT, ông Hải trả lời: "Không thể cấp bằng tốt nghiệp THCS và THPT cho học sinh".

Phương hướng nhà trường đưa ra với vấn đề này là kiến nghị với cơ quan quản lý để công nhận kết quả đào tạo văn hóa của Học viện Múa. Nếu như còn thiếu hay cần bổ sung học phần gì thì học sinh có thể bổ sung kiến thức để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT quốc gia.

Với đáp án này, phụ huynh hỏi rằng thời gian thẩm định công nhận kết quả đào tạo văn hóa của nhà trường là bao lâu, học sinh cần học bổ sung bao lâu và học phí tính toán ra sao… nhà trường chưa thể trả lời.

Dân trí tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này!

Mai Châm

Nguồn tin: dantri.com.vn


Cao đẳng   Giáo dục   Thể thao   Việt Nam   kiến nghị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...