05/03/2021 18:11  
Trường hợp trẻ em rơi từ những tầng cao không phải là hiếm ở những đô thị lớn. Để hạn chế tối đa những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra vẫn là điều cần phải bàn.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trọng An - Nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nhằm đưa ra những giải pháp giúp giảm thiểu rủi ro mất an toàn cho trẻ em.

Bài học khó quên

Ngày 28/2 vừa qua, một cháu bé 2 tuổi đã may mắn thoát chết khi rơi từ tầng 12A ở một khu chung cư tại quận Thanh Xuân (Hà Nội). Nhiều ý kiến cho rằng cha mẹ cháu bé đã không làm tròn trách nhiệm khi để cháu một mình ở nhà?

- Sự việc xảy ra, lỗi trực tiếp thuộc về những người lớn trong gia đình, những người có trách nhiệm trông coi trẻ. Tuy nhiên nếu đẩy hết trách nhiệm cho cha mẹ thì cũng rất khó.

Họ không nhận thức được những nguy cơ mất an toàn đối với em bé vì tại các chung cư cao tầng thường có nhiều hộ dân vốn từng sống ở các vùng nông thôn chuyển đến. Họ đã có thói quen sống những ngôi nhà có độ cao khiêm tốn. Khi sống ở đô thị trong những ngôi nhà cao tầng, họ không hề nghĩ rằng em bé có thể bị lọt ra ngoài ban công để bị rơi xuống được.

Tiếp theo là việc chủ quan với những hệ thống cảnh báo. Theo quy chuẩn thiết kế, nhà cao tầng từ 6 tầng trở lên cửa sổ không có chấn song, chỉ có bậu cửa chắn ngang để lửng phòng khi hỏa hoạn người bên trong dễ thoát ra ngoài.

Do vậy các gia đình đều được cảnh báo là không được kê các bàn ghế cạnh cửa sổ hoặc ở phía trên cửa không được treo các giỏ hoa, không được phơi cái gì đó ở bên ngoài cửa sổ dẫn đến nguy cơ trẻ em có thể nhoài người với ra bên ngoài.

Ở thành phố thì các bậc cha mẹ thường hay để em bé ở nhà một mình. Đặc biệt, khi em bé ngủ dậy, khi không nhìn thấy có người lớn bên cạnh tâm lý thường choáng ngợp, hoảng sợ, lo lắng và hay tìm cách thoát ra ngoài đi tìm người lớn.

Cuối cùng là trách nhiệm của các nhà thiết kế và chủ đầu tư công trình. Hiện nay rất nhiều nhà cao tầng không tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam (TCXDVN 323-2004) và Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em.

Sau vụ việc em bé thoát chết thần kỳ trên, theo ông, những bài học kinh nghiệm gì cần lưu ý, thưa ông?

- Trước hết, với những gia đình có trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, bố mẹ các bé phải luôn luôn để mắt và tuyệt đối không được để trẻ một mình ở nhà. Hành lang, ban công không nên mang kê bàn ghế ra ngoài để ngồi ăn uống tại đây. Điều này cực kỳ nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu quên khóa cửa ra ban công.

Các nhà cao tầng khi tiến hành xây dựng phải tuân thủ những quy chuẩn mà Bộ Xây dựng đã ban hành. Theo đó, từ tầng 6 trở lên là không được thiết kế ban công, chỉ có lô-gia; lan can lô-gia không được hở chân và không được có chấn song ngang, chiều cao không dưới 1m4.

Cửa sổ của những tầng cao không có chấn song chỉ có bậu cửa lửng thì nhất thiết phải có hệ thống lưới ni-lông đủ để che kín. Nếu khi xảy ra cháy nổ thì lưới này sẽ chảy ra và công an phòng cháy chữa cháy có thể chui vào cứu người được.

Trong tương lai, tôi cho rằng chúng ta cần phải sớm kiện toàn đội ngũ cán bộ công tác xã hội và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em theo Luật Trẻ em 2016 đã quy định. Theo đó, đội ngũ này sẽ đến từng nhà tuyên truyền theo hướng dẫn, phát hiện và can thiệp kịp thời những nguy cơ rủi ro mất an toàn với trẻ em.

Ngoài ra, các thầy cô giáo ở nhà trường cũng cần phải có tài liệu, kiến thức để hướng dẫn các em bé tự bảo vệ bản thân mình khi sống trong những ngôi nhà cao tầng.

Tham khảo Thụy Điển

Được biết, ông đã có nhiều thời gian đi thăm quan, nghiên cứu những mô hình bảo vệ trẻ em ở các nước trên thế giới. Vậy, ông đã nhìn thấy gì từ họ?

- Tôi đã được đi thăm và học tập ở nhiều nước trên thế giới. Hầu hết các nước ở châu Âu hay Hoa Kỳ thường rất hiếm có trường hợp trẻ em ngã nhà cao tầng. Lý do bởi quy chuẩn thiết kế ngôi nhà và nhận thức của các bậc cha mẹ về bảo vệ an toàn cho trẻ em của nước họ rất cao.

Theo tôi, Thụy Điển là quốc gia làm tốt nhất công tác đảm bảo an toàn cho trẻ em. Từ lâu nay, họ đã xây dựng và phát triển các mô hình cộng đồng an toàn và ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích rất chặt chẽ nên không chỉ việc trẻ em không bị rơi từ tầng cao, việc đuối nước hay nạn bạo hành, xâm hại tình dục cũng hầu như rất hiếm xảy ra.

Chúng ta có thể học hỏi gì từ họ, thưa ông?

- Điểm mấu chốt yếu nhất của Việt Nam ta là còn thiếu đội ngũ cán bộ công tác xã hội và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Mạng lưới này làm nhiệm vụ dự phòng, theo đúng Luật trẻ em (năm 2016) đã quy định - đó là cấp độ 1 để bảo vệ trẻ em, phát hiện sớm các vụ việc tai nạn, xâm hại trẻ em.

Song song với điều đó, tôi lo lắng về sự không tuân thủ các Quy chuẩn thiết kế và xây dựng của các nhà thầu xây dựng hiện nay. Do vậy rất mong muốn các cơ quan chức năng cần có cuộc tổng ra soát để đảm bảo ngôi nhà trở nên thật sự an toàn , phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em.

Thêm nữa, nước ta chưa có hệ thống tư pháp vị thành niên hoàn thiện, chưa có Tòa án trẻ em. Do vậy công tác bảo vệ trẻ em gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực và bị xâm hại tình dục.

Người cán bộ tư pháp từ khâu thu thập thông tin, chứng cứ đến điều tra xét hỏi rất cần thiết phải có nghiệp vụ về trẻ em để đảm bảo sự công bằng và tránh oan sai.

- Xin cảm ơn ông

Kim Sơn thực hiện

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bài học   Hà Nội   Việt Nam   thói quen   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...