02/04/2021 17:11  
"Xem clip ghi lại, không ai không phẫn nộ với các động tác đòn thù, rõ ràng những người hành hung đã sử dụng võ thuật, các đòn thế có thể giết người hoặc gây chấn thương trầm trọng cho 2 đứa trẻ"

Chiều ngày 1/4, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh hai thiếu niên ngồi trong phòng và bị hai người đàn ông mặc đồng phục của bảo vệ dân phòng đánh tới tấp vào người gây sửng sốt.

Người này tiếp tục tung cú đá vào mặt thiếu niên và dùng tay, lên gối ngay vùng mặt của thiếu niên, cũng như có nhiều hành động đánh đập, chửi bới thô bạo cả em còn lại mặc cho hai em liên tục đưa tay đỡ, khóc.

Nhiều người lớn có mặt lúc đó, nhưng không ai ra tay quyết liệt để ngăn cản sự việc. Bối cảnh sự việc xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10, TP.HCM, lãnh đạo nhà trường cho biết thời gian gần đây trường thường xuyên bị mất trộm đồ nên đã tăng cường lực lượng để bảo vệ.

Lúc làm việc tại trụ sở Công an phường 14 (quận 10) với sự giám hộ của người thân, hai thiếu niên này thừa nhận đã nhiều lần đột nhập vào trường để lấy tài sản.

Cụ thể, một em thừa nhận đã 3 lần vào trường lấy trộm 1 cây vợt cầu lông, 3 máy tính casio và 3 đôi giày. Em còn lại thừa nhận 5 lần vào trường lấy 5 đôi giày, 6 cây vợt cầu lông.

Sự việc đã gây xôn xao dư luận, đại đa số ý kiến đều bức xúc cho rằng việc bảo vệ dân phố đánh đập hai thiếu niên tình nghi trộm cắp là điều không thể chấp nhận được; bên cạnh đó cũng có những quan điểm cho rằng với những đứa trẻ hư mà gia đình không thể dạy dỗ được thì để xã hội "điều trị" là chuyện thường tình!

"Theo tôi, lúc đầu xem thì ai cũng bức xúc, nhưng mọi người bình tĩnh lại mà coi, hàng ngàn vụ trộm tôi chứng kiến, kẻ mất của như người mất hồn, của cả đời để dành và bỗng phút chốc mất hết vào tay kẻ lưu manh ăn chơi lêu lổng, đến khi người ta phát hiện được không nhận lỗi ngay để được nhân từ, đằng này chờ đưa vào và mở camera ra lộ rõ mặt thì mới nhận…", bạn đọc Tuấn Anh.

"Ở nhà bố mẹ không dạy được, cứ bảo con tôi ngoan lắm hiền lắm nhưng mới tí tuổi đã trộm cắp chuyên nghiệp thế thì phải để xã hội dạy dỗ. Bọn trẻ không chịu sự dạy dỗ của nhà trường, thì tất nhiên sẽ chịu sự dạy dỗ của "xã hội", bạn đọc Giang Võ.

Bảo vệ dân phố có quyền đánh người không?

Không đồng tình với những quan điểm trên, bạn đọc Quỳnh Hạnh: "Một xã hội giải quyết mọi thứ bằng bạo lực chưa bao giờ là một xã hội văn minh, chúng ta được học về quyền con người khi còn nhỏ, chúng ta được thấy các nước phát triển giải quyết vấn đề này ra sao, không ai được quyền xúc phạm tự do thân thể của người khác cả, mọi việc phải tuân thủ theo pháp luật, phải có người giám hộ.

Xin nhắc lại là bất kì ai cũng đều có quyền được tôn trọng, được có tiếng nói và giải quyết mọi chuyện một cách văn minh theo pháp luật. Và hơn hết trẻ em phải là đối tượng được quan tâm bảo vệ nhiều hơn cả, ngày hôm nay nếu bạn không cất tiếng nói thì ngày sau có lẽ là con em của bạn lứa tuổi mong manh, nổi loạn và cần được yêu thương dạy bảo nhiều hơn cả".

"Hai đứa bé nếu đúng là ăn trộm thì sẽ có luật pháp giáo dục. Bảo vệ dân phố kia đánh người, đánh trẻ vị thành niên tàn ác như vậy là vi phạm pháp luật và đáng bị sự trừng phạt thích đáng của luật pháp. Rất mong các cơ quan pháp luật mạnh tay. Người dân chúng tôi không tán thành với những câu tạm đình chỉ công tác hay nghiêm khắc kiểm điểm", bạn đọc Thành Đạt.

"Nếu trẻ con dưới 18 tuổi mà hư hỏng thì lỗi đầu tiên là của bậc cha mẹ. Đừng nói câu cha mẹ không dạy được thì xã hội dạy. Đến mức xã hội dạy thì người đã hỏng hẳn rồi. Tôi cũng phản đối hành vi đánh đập trẻ em dù chúng có trộm cắp thật, lỗi ở đâu xử lý đến đấy", bạn đọc Thúy Anh.

Giáo dục thanh thiếu niên hư là việc cần làm, nhưng đọc mà cứ tưởng giang hồ đang hành xử, là quan điểm của bạn đọc Ý Trang: "Việc hành xử như vậy có thể thỏa mãn sự bực tức của người bắt nhưng có giáo dục được các em hay lại tạo ra những con người lì lợm hơn?

Không bắt được tận tay các em lấy trộm, chỉ mới lọt vào khuôn viên thôi nhưng đã dùng kiểu bạo hành rồi. Cứ cho là có động cơ ăn trộm cũng không được đánh người như thế".

Người lớn nhiều khi còn mắc lỗi huống chi các em còn nhỏ vậy, "Nếu các em có lỡ lấy cũng bình tĩnh tìm cách giải quyết. Nhờ gia đình các em phối hợp khắc phục dùm thôi. Nếu gia đình không có điều kiện thì từ từ phối hợp khắc phục. Chưa gì đánh rồi! Đánh vậy hoặc bướng thêm chứ các em có biết vì sao mình không nên làm điều này! Hay vì các em tò mò, hiếu kỳ, ....con nít mà!", bạn đọc Bảo Vân.

Cho rằng sự việc này tồn tại 2 vấn đề lớn, bạn đọc Thanh Nga phân tích: "Trẻ em, trẻ vị thành niên phải được đối xử nhẹ nhàng, kiên nhẫn và có tình. Dù các em có phạm lỗi gì thì cũng là những cư xử còn non nớt của 1 cô cậu bé mới lớn, thậm chí các em có thể còn là nạn nhân của sự giáo dục chưa đúng đắn từ môi trường gia đình và xã hội. Vì thế người lớn nên dùng sự kiên trì, nhẫn nại để giáo dục các em.

Tôi vô cùng bức xúc với những hành vi bạo lực của người lớn gây ra cho các em thanh thiếu niên. Nó sẽ chỉ làm gia tăng bạo lực trong tương lai cho xã hội mà thôi.

Ở đây có thêm 2 vấn đề: cho rằng 2 cậu bé này phạm tội nhưng phải thấy rõ trách nhiệm vai trò của gia đình trong việc dạy dỗ các cháu (không thể đổ hết việc giáo dục cho nhà trường); đồng thời thấy rõ vì sao nhân viên nhà trường có mặt hết mà lại để bảo vệ dân phố tấn công đánh đập các cháu?

Người này đâu có vũ khí đe dọa gì mà sao các nhân viên nhà trường lại không ngăn cản, lại còn cho rằng không chủ động được?! Các cháu nếu phạm tội thì phải giữ lại giao cho pháp luật xử lý đúng phép. Còn nhà trường cũng nên xử lý đúng luật các nhân viên của mình, đồng thời công an cũng nên xử lý tên dân phòng này!".

"Xem clip ghi lại, không ai không phẫn nộ với các động tác đòn thù, rõ ràng những người hành hung đã sử dụng võ thuật, các đòn thế có thể giết người hoặc gây chấn thương trầm trọng cho 2 đứa trẻ.

Không cần thiết phải đủ 11% chấn thương mới khởi tố bởi nó vi phạm nhiều điều luật hình sự của VN, trong đó có Luật trẻ em. Hiệu trưởng trường cũng phải liên đới chịu trách nhiệm", bạn đọc Linh Nga đề xuất.

Khả Vân (tổng hợp) 

Nguồn tin: dantri.com.vn


Công an   Giáo dục   HCM   giang hồ   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...