26/01/2021 0:25  
Trung QuốcMột năm sau ngày Vũ Hán phong thành vì Covid-19, hầu hết mọi người trở lại cuộc sống bình thường, nhưng một số vẫn vật lộn với ký ức đau khổ.

Những ngày tháng phong tỏa vì Covid-19 đã lùi xa, công chúng tiếp tục cuộc sống bình thường và nhắc nhở nhau không "quên đi nỗi đau dù vết thương đã lành".

Một năm trước, quyết định phong tỏa của chính quyền Vũ Hán là lời cảnh báo cho thế giới về sự nguy hiểm của nCoV. Giờ đây, tình trạng "bình thường mới" báo trước viễn cảnh hậu đại dịch, nơi người dân nhẹ nhõm vì không phải đeo khẩu trang, thực hiện các buổi gặp gỡ và những chuyến du lịch.

Người Vũ Hán tận hưởng thú vui đời thường mà một năm trước đây bị coi là mối đe dọa. Họ đi phố mua sắm Jianghan. Nhân viên văn phòng chen lấn giành chỗ trên tàu điện ngầm. Các nhà hàng ven sông, quán bar, karaoke dần náo nhiệt. Đây là hình ảnh không tưởng vào năm ngoái, càng không tưởng đối với phần còn lại của thế giới vẫn chìm trong đại dịch.

Trên những mỏm đá và bục bê tông ở bờ sông Dương Tử, "Câu lạc bộ Bơi lội Thanh Sơn" hoạt động trở lại. Thành viên, hầu hết là người nghỉ hưu, hàng ngày lội xuống vùng nước sâu nơi cố Chủ tịch nước Mao Trạch Đông từng bơi. Trong thời kỳ phong tỏa, câu lạc bộ tạm ngưng tụ tập. Chỉ một số người cố gắng lẻn ra ngoài.

"Tất cả lên cân đi. Tôi đã nặng hơn 5 kg sau khi mắc kẹt ở nhà vài tháng", Song Datong, một tài xế xe buýt đã nghỉ hưu, nói với bạn bè của mình. Trong số 300 người của câu lạc bộ bơi lội, không ai nhiễm nCoV. Ông Song nói: "Có thể đó là nhờ sức khỏe của họ".

Giữa thời tiết lạnh giá, sông Dương Tử, huyết mạch của thành phố, vẫn thu hút người dân đến bơi lội, chơi saxophone và hẹn hò. "Vũ Hán hiện là thành phố an toàn nhất cả nước. Chúng tôi sẽ không bị bệnh đâu", ông Song quả quyết.

Song đằng sau một thành phố vui vẻ trong chế độ "bình thường mới", nhiều gia đình vẫn đang đau khổ, vật lộn trong bóng đen Covid-19. Họ không tìm thấy chỗ đứng trong chiến thắng và kế hoạch tương lai của chính phủ. Một số bám víu vào kỷ vật của người đã khuất. Số khác cố gắng quên đi ký ức đau lòng.

Zhu Tao, công nhân 44 tuổi, sống trong khu phố Vũ Hán bị bùng phát dịch bệnh nghiêm trong. Anh vẫn tức giận sau cái chết của người dì 84 tuổi nhiễm nCoV. Anh tin rằng một người chị họ cũng qua đời vì căn bệnh này, dù giấy chứng tử ghi nguyên nhân tử vong là nhiễm trùng phổi do vi khuẩn.

"Người Vũ Hán mang lại cảm giác rằng vết sẹo đã lành và họ dần quên đi nỗi đau. Nhưng thực tế, họ đang ở trong tình cảnh sẹo chưa lành đã quên đi nỗi đau", Zhu nói. Anh đã nghỉ làm một năm vì lo sợ virus quay trở lại.

Zhang Wenhong, giám đốc khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Huashan, Thượng Hải, một trong những chuyên gia y tế nổi tiếng nhất đất nước, cảnh báo thế giới sẽ phải đối mặt với ‘cuộc chiến kéo dài’ chống Covid-19, kể cả khi không phong tỏa hoàn toàn. Ông so sánh nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh ở thời điểm này với việc "bắt chuột trong một cửa hàng đồ sứ".

Cảnh báo đưa ra khi Trung Quốc tiếp tục ghi nhận các đợt bùng phát lẻ tẻ, chủ yếu tập trung ở phía bắc và đông bắc đất nước. Ủy ban Y tế Quốc gia báo cáo hơn 80 ca nhiễm nCoV mới hôm 24/12, trong đó có 65 ca nhiễm cộng đồng.

Ông Zhang nhận định: "nCoV đang dần chiếm đóng hành tinh, trở thành loại virus cư trú trên trái đất. Sau một năm, nó tiếp tục đột biến. Chúng ta chứng kiến virus lây lan nhanh hơn, nhưng độc lực không giảm đi. Điều này cho thấy nhân loại cần chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi".

Hồi tháng 11/2020, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp WHO, ông Mike Ryan, cho biết thế giới có nguy cơ đối mặt những đại dịch khác trong tương lai nếu "lãng quên" và không rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng Covid-19.

"Tôi từng chứng kiến sự quên lãng sau khi một sự việc đau thương xảy ra. Điều này dễ hiểu", ông nói. "Nhưng nếu chúng ta tiếp tục làm vậy, như sau dịch SARS, H5N1, H1N1, tiếp tục phớt lờ thực tế và rủi ro từ mầm bệnh đang trỗi dậy, chúng ta có khả năng trải qua tình cảnh tương tự hoặc tồi tệ hơn một lần nữa".

Thục Linh (Theo NY Times, SCMP)

Nguồn tin: vnexpress.net


Bệnh viện   Covid   Covid-19   Trung Quốc   chuyên gia   du lịch   hành vi   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...