19/07/2022 12:15  
Dù cho thấy ưu thế tức thì, song các vũ khí hiện đại được phương Tây viện trợ trên thực tế chỉ thắp lên 'hy vọng mong manh' cho Ukraine, vì khó có thể giúp lật ngược tình thế.

Theo chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ) Rob Lee, Pháo phản lực Cơ động Cao HIMARS và các tổ hợp tương tự được phương Tây viện trợ cho Ukraine đã có tác động lập tức đến tình hình chiến sự, làm giảm đáng kể lợi thế của Nga về pháo tầm xa - điều từng giúp Moskva đạt nhiều bước tiến trong tháng 5 và 6/2022.

"Vũ khí của chúng tôi đã tấn công chính xác và gây tổn thất lớn, làm thay đổi cục diện chiến trường", trung úy Valentyn Koval - một sĩ quan điều khiển HIMARS, tuyên bố. 

Vũ khí thắp hy vọng cho Ukraine

Với tầm bắn hơn 80 km, HIMARS là khí tài tiên tiến nhất, có tầm bắn xa nhất trong biên chế lục quân Ukraine hiện tại. Tổ hợp này cho phép quân đội Ukraine tấn công chính xác mục tiêu quân sự Nga mà không gây nguy hiểm cho dân thường trong các vùng lãnh thổ Moskva kiểm soát.

Các binh sĩ cho biết HIMARS được dẫn đường bằng vệ tinh và chỉ lệch khỏi tọa độ mục tiêu tối đa 0,9 m. Bệ phóng chứa 6 rocket, được gắn vào khung xe tải màu xanh đậm và hoạt động tác chiến chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Khả năng cơ động của HIMARS cũng rất ấn tượng, khi một cỗ xe đồ sộ vẫn có thể di chuyển với vận tốc lên tới hơn 96 km/h. 

Sử dụng tổ hợp này, lực lượng Ukraine đã đặt mục tiêu tấn công trước nhất là chuỗi hậu cần sau chiến tuyến, trong đó có các kho đạn. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, các cuộc tập kích như vậy đã làm chậm đà tiến công cũng như bào mòn hỏa lực của Nga ở mặt trận miền Đông.

Theo Lee, Nga có ít hệ thống phòng thủ chống lại pháo phản lực hiện đại của phương Tây vì chúng có thể bắn nhanh và di chuyển lập tức ra khỏi tầm bắn của đối phương. Chúng cũng có thể hoạt động vào ban đêm, khiến máy bay không người lái của Nga khó phát hiện hơn.

So với các loại pháo phản lực cũ được lực lượng Ukraine sử dụng, HIMARS cho thấy khả năng vượt trội. "Những vũ khí trước đây khiến chúng tôi phấp phỏng hơn nhiều, HIMARS đem lại cảm giác yên tâm hơn hẳn", Moroz - một thành viên thuộc kíp pháo thủ 4 người của Ukraine, cho biết.

Hệ thống mà đội của Moroz sử dụng trước đây là pháo phản lực phóng loạt Uragan từ thời Liên Xô, với tầm bắn tối đa khoảng 32 km. Nó có sai số chệch mục tiêu khoảng 0,8 km và thường phải phối hợp với máy bay không người lái hoặc một đội trinh sát khi tấn công.

Theo Moroz, với các loại pháo phản lực đời cũ, họ phải tránh phóng rocket qua khu dân cư, mà chỉ tập kích mục tiêu trên cánh đồng hoặc rừng cây, để hạn chế nguy cơ thương vong cho người dân. "Giờ, tôi không còn phải lo lắng bất cứ điều gì khi nhắm mục tiêu nữa. Tôi biết rocket sẽ bắn trúng mục tiêu, vì được dẫn hướng bằng vệ tinh", Moroz nói.

Tuy nhiên, việc phá hủy các kho vũ khí và trung tâm chỉ huy có đủ để làm suy yếu năng lực tác chiến của Nga ở Ukraine và lật ngược tình thế hay không vẫn là câu hỏi quan trọng nhưng chưa có lời đáp với NATO. Dẫn phân tích từ các chuyên gia, Wall Street Journal cho biết, độ hiệu quả của vũ khí phương Tây sẽ trở nên rõ ràng hơn trong vài tuần tới.

Nguồn cung ít và chuyển giao chậm chạp

Dù HIMARS dường như đã gây khó khăn đáng kể cho quân đội Nga, song Lee cảnh báo điều ấy không đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ có thể chắc chắn xoay chuyển cục diện chiến trường và giành lại lãnh thổ. Để làm điều này, Ukraine phải tập hợp được số lượng đủ lớn các đơn vị quân đội, pháo binh được đào tạo bài bản và đủ đạn dược.

Trên chiến trường, dù binh sĩ ấn tượng với uy lực của HIMARS, họ cũng thất vọng vì số lượng vẫn còn hạn chế. "Chúng tôi không thể ở tất cả mọi nơi cùng một lúc, vì vậy mọi thứ đang tiến triển rất chậm", Koval - một sĩ quan vận hành HIMARS, nói.

Hiện, Mỹ chỉ mới chuyển đến tay Kiev 8 trong số 12 tổ hợp HIMARS cam kết viện trợ cho Ukraine. Theo Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksii Danilov, nếu Kiev có 50 tổ hợp HIMARS, "đó sẽ là câu chuyện hoàn toàn khác", nhưng phương Tây khó có thể cung cấp một số lượng lớn HIMARS như vậy.

Trên thực tế, tổ hợp này rất đắt đỏ, nguồn cung không đủ đáp ứng và thường bị hạn chế xuất khẩu. Đồng thời, một yếu tố hạn chế lớn hơn nữa là đạn dược của HIMARS. "Chúng ta không có đủ để cung cấp cho họ", Lee nói. Đến nay, Ukraine vẫn sử dụng đạn tầm xa của HIMARS một cách thận trọng, chỉ khai hỏa với số lượng hạn chế mỗi đêm, trong các chiến dịch tập kích được hỗ trợ bởi dữ liệu tình báo Mỹ giúp định vị kho đạn và sở chỉ huy của Nga. 

Bên cạnh đó, hệ thống mới đòi hỏi sự huấn luyện nhiều hơn so với các lựu pháo mà phương Tây gửi trước đây, nên tốc độ triển khai cũng chậm hơn. Và, nếu các hệ thống vũ khí mới không cho thấy kết quả rõ ràng trong tương lai gần, tâm lý háo hức của phương Tây khi hỗ trợ chúng cho Ukraine sẽ mất dần đi. 

"Theo thời gian, phương Tây sẽ khó lòng duy trì các hình thức hỗ trợ mà họ đã cung cấp trong 6 tháng qua", Rachel Rizzo - chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nhận xét.

Tình thế này dẫn đến một cuộc chiến lâu dài mà trong đó không bên nào có thể đánh bại bên kia. Nếu kịch bản này diễn ra, cục diện sẽ có lợi cho Nga, bởi Tổng thống Vladimir Putin không phải lo lắng về dư luận trong nước và có kho vũ khí tương đối lớn từ thời Chiến tranh Lạnh, cho phép Nga bảo vệ những phần lãnh thổ đã kiểm soát ở Ukraine.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Tổng thống   chuyên gia   hành vi   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...