14/04/2021 15:12  
Chiều 13/4 tại TP Huế, sau 5 ngày nghị án, Tòa án nhân dân TP Huế đã tuyên án vụ án mua nợ xấu khách sạn Hoàng Cung.

Theo phía nguyên đơn, luật sư đại diện cho bà Nguyễn Thị Định - chủ nợ nêu ý kiến bị đơn - Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung (Cty Hoàng Cung) phải trả hơn 510,2 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi.

Phía ông Nguyễn Xuân Đức, Tổng giám đốc Cty Hoàng Cung đề nghị tạm hoãn vụ án do công an đang thụ lý vụ án và Viện kiểm sát nhân dân TP Huế đề nghị hoãn phiên tòa do phía công an đang thụ lý vụ án.

Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Huế đã gửi công văn đến tòa trả lời, chưa khởi tố vụ án theo đơn trình báo của Cty Hoàng Cung.

Ông Nguyễn Trường Thi, kiểm sát viên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Huế vẫn giữ nguyên quan điểm, đề nghị tạm dừng phiên tòa vì chưa nhận được… bản sao công văn của công an gửi đến tòa.

Thẩm phán phiên tòa, ông Hoàng Quang Bình, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Huế đọc nhận định của tòa cho hay, Cty Hoàng Cung vay tiền các ngân hàng để làm khách sạn từ 2003 đến 2011, sau thời gian đã mắc nợ không trả được nên phải thế chấp khối tài sản khách sạn Hoàng Cung và 1 sổ đỏ tại đường Lương Thế Vinh, TP Huế.

Bà Nguyễn Thị Định sau khi đấu giá thắng khối "nợ xấu" khách sạn Hoàng Cung từ các ngân hàng ở phiên đấu giá (gồm 4 người đấu giá, hình thức đấu giá công khai) đã trả cho các ngân hàng đủ với số tiền gần 205 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử nhận thấy đề nghị tạm dừng phiên tòa của Viện kiểm sát nhân dân TP Huế và của bị đơn là không phù hợp khi Công an TP Huế không khởi tố vụ án, nên không thuộc trường hợp phải tạm đình chỉ phiên tòa.

Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và bác hết phản tố của bị đơn. Các ngân hàng có quyền bán khoản nợ xấu này cho bà Định theo Luật hiện hành.
"Cty Hoàng Cung không được yêu cầu hủy đấu giá. Đến nay bà Định không làm thiệt hại gì cho khách sạn. Tòa cũng bác toàn bộ phản tố của Cty Hoàng Cung. Do các hợp đồng giữa ngân hàng và bị đơn là phù hợp nên bà Định có quyền yêu cầu Cty Hoàng Cung phải trả nợ gốc và lãi" - Thẩm phán Hoàng Quang Bình cho hay.

Theo Hội đồng xét xử, Cty Hoàng Cung nợ gốc là 139.390.646,087 đồng và 4.055.423,26 USD; nợ lãi là 179.223.095.983 đồng và 4.215.740 USD. Tổng nợ là 318.613.742.070 đồng và 8.271.162,77 USD - tương đương với 510.248.312.190 đồng (tỷ giá 1 USD = 23.169 đồng là tỷ giá bán ra trung bình cộng của 3 ngân hàng ngày 13/4/2021).

Tòa đã tuyên Cty Hoàng Cung buộc phải trả cho bà Định tổng số tiền hơn 510 tỷ đồng. Nếu không trả được thì dùng tài sản thế chấp là khối tài sản khách sạn Hoàng Cung đường Hùng Vương, TP Huế và sổ đỏ ngôi nhà đường Lương Thế Vinh, TP Huế của ông Nguyễn Xuân Đức, Tổng giám đốc Cty Hoàng Cung. Và nếu khối tài sản này không định giá trả nợ đủ thì phải trả nợ bằng tiền tiếp tục.

Bên cạnh đó, Cty Hoàng Cung phải trả án phí là hơn 618 triệu đồng và 3 triệu đồng do phản tố bất thành. Cty này vẫn phải tiếp tục trả lãi khối nợ trên từ 14/4/2021 cho đến khi thi hành xong bản án. Riêng bà Định không phải trả một đồng nào tiền án phí.

Như Dân trí thông tin nhiều kỳ, ngày 19/9/2019, Tòa án Nhân dân TP Huế ra quyết định thụ lý vụ án kinh doanh thương mại số 91/2019/TLST-KDTM về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng theo đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Định (SN 1982), hộ khẩu thường trú tại Nghĩa Tân - Cầu Giấy (Hà Nội).

Cụ thể, bà Định khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung (Công ty Hoàng Cung) phải trả cho bà Nguyễn Thị Định số tiền nợ và lãi tạm tính đến ngày 30/6/2019 là hơn 463 tỷ đồng.

Đơn khởi kiện của bà Định gửi Tòa án Nhân dân TP Huế trình bày: Công ty Cổ phần Khách sạn Hoàng Cung (trước đây là Công ty Cổ phần Trường Tiền - TT Huế) là chủ đầu tư của Dự án xây dựng khách sạn Hoàng Cung tại số 08 Hùng Vương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Để thực hiện dự án trên, từ ngày 11/03/2003 đến ngày 23/12/2011, Công ty Hoàng Cung đã tiến hành vay nợ và được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (VCB Huế), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (Vietinbank Huế) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (Agribank Huế) chấp thuận đồng tài trợ, cho vay thông qua các Hợp đồng tín dụng.

Để bảo đảm cho các khoản vay trên, Công ty Hoàng Cung chấp thuận các biện pháp bảo đảm theo các điều kiện, điều khoản quy định tại nhiều Hợp đồng thế chấp.

"Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, các ngân hàng đã giải ngân đầy đủ, đúng hạn các khoản vay theo Hợp đồng tín dụng đã ký. Tuy nhiên đến thời hạn trả nợ, dù nhiều lần nhận được yêu cầu nhưng Công ty Hoàng Cung không tuân thủ thỏa thuận theo Hợp đồng tín dụng liên quan việc trả nợ. Do đó, để thu hồi khoản nợ trên theo đúng quy định pháp luật, các Ngân hàng đã tiến hành bán đấu giá khoản nợ của Công ty Hoàng Cung thông qua Công ty cổ phần đấu giá Nam Việt. Việc đấu giá được tiến hành theo đúng Quy chế bán đấu giá khoản nợ và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Căn cứ Biên bản bán đấu giá khoản nợ và Thông báo về việc ký Hợp đồng mua bán nợ số 62/TB-HUE cùng ngày 12/02/2018, tôi là người trúng đấu giá đối với khoản nợ của Công ty Hoàng Cung. Ngày 21/02/2018, tôi và đại diện các Ngân hàng trên đã ký Hợp đồng mua bán khoản nợ đấu giá số 68/2018/HDDMBN-VCB-VIETTINBANK-AGRIBANK. Theo đó, tôi được chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản vay của Công ty Hoàng Cung theo Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp đã ký giữa Công ty cổ phần Khách sạn Hoàng Cung và các ngân hàng nêu trên" - bà Định khẳng định.

Sau khi TAND TP Huế thụ lý vụ án, ngày 28/10/2019, Công ty Hoàng Cung đã có đơn phản tố gửi tòa án. Ngày 19/2/2020, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Huế (VCB Huế) có công văn số 24 VCB-KH.HUE gửi TAND TP Huế đưa ra phản bác của mình.

Theo đó, bị đơn cho rằng Hợp đồng mua bán nợ số 68/2018/HĐMBN-VCB-VIETINBANK-AGRIBANK ("HĐMBN") ký ngày 21/2/2018 giữa nguyên đơn và các ngân hàng bị vô hiệu vì trái quy định của pháp luật" với lý do: "Căn cứ quy định của Luật đấu giá tài sản thì tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá - mà nếu tài sản đấu giá đó là nợ xấu thì "chỉ giới hạn trong phạm vi Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật" mà thôi.

Về nội dung này, Ngân hàng VCB Huế khẳng định: Nhận định này của Công ty Hoàng Cung là thiếu khách quan và không có cơ sở pháp lý vì: Khoản 2, Điều 6 Nghị Quyết số 42/2017-QH14 áp dụng đối với việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị Quyết số 42/2017-OH14 thì "Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu là Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng".

Các tổ chức tín dụng đồng tài trợ không phải là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu do đó việc bán khoản nợ của Công ty Hoàng Cung không thuộc phạm vi điều chỉnh của Khoản 2, Điều 6 Nghị quyết số 42/2017-QH14, mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 5 Nghị quyết số 42/2017/QH14:

Ngân hàng VCB Huế cho rằng, việc các ngân hàng bán khoản nợ của Công ty Hoàng Cung (thông qua đấu giá) cho cá nhân là phù hợp quy định của pháp luật. Do đó, VCB Huế khẳng định việc các ngân hàng bán khoản nợ của Công ty Hoàng Cung cho bà Nguyễn Thị Định là phù hợp quy định của pháp luật.

Đại Dương

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Công an   Hà Nội   MC   Ngân hàng   Nông nghiệp   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...