28/10/2020 10:10  
Các đại biểu Quốc hội cho rằng xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) là chủ trương đúng đắn, song năm đầu triển khai SGK mới sẽ không tránh khỏi những bất cập.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và SGK lớp 1 mới. Đây cũng là năm đầu tiên ngành giáo dục thay đổi phương thức tiếp cận SGK phổ thông. Việc thực hiện SGK mới có những điểm rất khác so với trước đây, cụ thể là chương trình trở thành pháp lệnh và SGK là tài liệu.

Xã hội hóa biên soạn SGK là đúng hướng?

Qua giám sát, đánh giá chung, SGK lớp 1 mới cơ bản đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, qua một tháng triển khai thực tế đã bắt đầu xuất hiện những vấn đề liên quan tới chất lượng sách và dư luận hiện tập trung vào SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách là Cánh diều. Dư luận cũng đặt không ít câu hỏi và nghi ngại khi thực hiện xã hội hóa biên soạn và phát hành SGK.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, xã hội hóa việc biên soạn SGK là một chủ trương đúng với kỳ vọng thông qua xã hội hóa sẽ có những sản phẩm SGK tốt nhất.

“Bởi vì trong quá trình cạnh tranh, quyền lựa chọn thuộc về người dạy người học là những người sử dụng sản phẩm SGK. Trong sự cạnh tranh này, đương nhiên là các nhóm viết SGK, các nhà xuất bản nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng những bộ sách giáo khoa tốt nhất”, đại biểu Mai Hoa nói.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, dư luận chỉ ra những điểm chưa được ổn trong SGK cũng là một dấu hiệu tốt để chứng tỏ rằng xã hội đang rất quan tâm và rất kỳ vọng vào lần chỉnh sửa SGK. 

Đại biểu Mai Hoa cho rằng: “Việc thực hiện xã hội hóa SGK, với 5 bộ SGK lớp 1 được đưa vào dạy và học từ năm nay. Những bức xúc được dư luận phản ánh, tôi nghĩ rằng là điều khó tránh khỏi.

Chất lượng SGK như vậy có ảnh hưởng tới chất lượng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hay không? Theo tôi, đương nhiên là không đáp ứng được yêu cầu đặt ra là phải có những bộ sách tốt nhất. Chắc chắn có những điểm chúng ta phải rút kinh nghiệm và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những phản ứng kịp thời”.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), những cuốn sách SGK lớp 1 mới khác cũng có thể khó tránh khỏi những điểm còn tồn tại. Song các tác giả và các nhà xuất bản có thể tiếp tục hoàn thiện tốt hơn để những lần tái bản sau và chất lượng cao hơn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm về chất lượng SGK

Nói về trách nhiệm và giải pháp chỉnh sửa SGK, đại biểu Mai Hoa khẳng định, Nhà nước phải có định hướng và vai trò với nội dung và chất lượng của sách. Bộ GD&ĐT cần có thêm những hoạt động để tăng cường vai trò kiểm tra, thanh tra, giám sát cũng như phải có hướng dẫn cụ thể những yêu cầu cụ thể hơn nữa để cho các nhóm biên soạn SGK. Theo đó, nâng cao chất lượng SGK và các quy định để Hội đồng thẩm định SGK phải phát huy tốt nhất trách nhiệm của mình.

“Đó là trách nhiệm thuộc về Hội đồng thẩm định. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ có những hướng dẫn để làm sao các cơ sở giáo dục và giáo viên họ phát huy tốt nhất quyền tự chủ để sử dụng sách giáo khoa với ý nghĩa là các tài liệu giảng dạy với chương trình là pháp lệnh.

Đây là một trong những điểm mới của giáo dục phổ thông mà công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là vai trò của Bộ Giáo dục đào tạo cần phải phát huy tốt hơn”, đại biểu Mai Hoa nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long) cũng cho rằng việc triển khai chương trình mới và SGK đều làm theo quy trình, nhưng quy trình là do cơ quan quản lý Nhà nước ban hành và triển khai theo đúng quy trình đó.

“Đây là năm đầu tiên chúng ta thực hiện SGK mới. Đến thời điểm tháng 9/2020, phải có đủ sách theo chương trình mới cho học sinh học tập, nên cũng có thể có vấn đề nhất định về mặt thời gian. 

Quy trình được thực hiện lần đầu tiên nên có thể chưa hoàn thiện và qua việc thực hiện này mới có thể thấy quy trình đã thực sự chặt chẽ hay chưa? Nếu chưa chặt chẽ thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ điều chỉnh cả quy trình thẩm định sao cho thật chặt”, đại biểu Phạm Tất Thắng trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Theo đại biểu Tất Thắng, quy định của luật về quản lý Nhà nước Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm về chất lượng sách giáo khoa. Trách nhiệm của Hội đồng cũng phải thẩm định cũng phải kỹ lưỡng hơn và có yêu cầu cương quyết hơn với các tác giả trước những nội dung chưa thật phù hợp.

Mặt khác, Bộ GD&ĐT phải tăng cường việc lấy ý kiến, mời các chuyên gia độc lập, phản biện sách đó trước khi Hội đồng thẩm định để nâng cao chất lượng SGK của những năm tiếp theo.

“Để thực hiện chủ trương xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết 88, lần đầu tiên hệ thống giáo dục phổ thông - lớp 1 có 5 bộ sách giáo khoa khác nhau. Lần đầu tiên cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ GD&ĐT không phải biên soạn một bộ sách riêng.

Chủ trương xã hội hóa là rất đúng đắn với mục tiêu thu hút được nhiều nhóm tác giả, nhiều nhà xuất bản, những nguồn lực từ xã hội để cùng biên soạn và phát hành sách giáo khoa trên cơ sở SGK chất lượng tốt có giá cả phù hợp và người dân có quyền được lựa chọn”, đại biểu Đoàn Vĩnh Long nhấn mạnh.

Theo Lê Lam
VOV

Nguồn tin: dantri.com.vn


Giáo dục   Vĩnh Long   Xã hội   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...