20/10/2022 15:15  
Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản (BĐS), làn sóng đầu tư BĐS ven khu công nghiệp sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới. Phân khúc này đã có tốc độ phát triển nhanh ngay từ quý I/2022, nhất là tại khu vực phía Bắc như: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn…

Nhiều tiềm năng khai thác

Sau đại dịch Covid-19, thị trường BĐS chứng kiến mặt bằng giá tăng nhanh trên diện rộng. Đây là lý do khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang phân khúc giá thấp, các khu vực mới phát triển để hạn chế rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận.

Hiện nay, các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm khu vực có vốn FDI đăng ký lớn, quy hoạch tăng mạnh diện tích khu công nghiệp, khu vực có tốc độ tăng dân số nhanh. Nhiều nhà đầu tư "nhạy bén" thường vào đón đầu các khu vực định hướng phát triển khu công nghiệp mới, thậm chí biên lợi nhuận đầu tư có thể gấp nhiều lần so với các khu vực đã bão hòa khu công nghiệp .

Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, các nhà đầu tư lựa chọn đất nền ven khu công nghiệp vì những nơi này có thanh khoản cao. Ngoài ra, tiềm năng từ việc khai thác cho thuê cũng rất lớn. Nhà đầu tư không những săn đất xây nhà trọ, kho xưởng mà còn có thể phát triển các dịch vụ như ăn uống, giải trí, buôn bán…

Ông Võ Văn Mười - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Kim Thịnh Phát cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển sang các nước lân cận. Đặc biệt, Việt Nam là nước có lợi thế thu hút các chuỗi cung ứng, những nhà máy công nghiệp lớn.

Việc hình thành các khu công nghiệp kéo theo làn sóng dịch chuyển dân cư đến các khu vực này. Các chuyên gia, kỹ sư, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp cần nơi an cư, nghỉ ngơi, mua sắm, giải trí… sau giờ làm việc mà không phải di chuyển quá xa. “Nhu cầu về BĐS an cư, kinh doanh gần khu công nghiệp tăng mạnh. Làn sóng đầu tư BĐS ven khu công nghiệp sẽ trở thành xu hướng, phát triển mạnh trong thời gian tới”, ông Mười khẳng định.

Nhiều chuyển biến khởi sắc

Thị trường BĐS công nghiệp quý gần đây được các đơn vị nghiên cứu đánh giá là có nhiều chuyển biến khởi sắc. Thị trường này thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, phần đông đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông.

Giá thuê BĐS công nghiệp trong quý II năm nay tiếp tục có xu hướng tăng. So với cùng kỳ năm 2021, giá thuê ở khu vực phía Bắc tăng từ 5% đến 12%, khu vực phía Nam tăng từ 8% đến 13%. Tại các khu công nghiệp thuộc 3 thị trường trọng điểm là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, giá thuê trung bình trong quý II đã tăng lần lượt là 26%, 10% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo thị trường của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, một số dự án đầu tư khu công nghiệp mới trên cả triển khai thực hiện đã góp phần bổ sung nguồn cung mới cho thị trường BĐS. Đây là điều kiện cho các doanh nghiệp tiến hành đầu tư.

Để đầu tư hiệu quả, ông Võ Văn Mười cho biết các nhà đầu tư phải lưu ý đến vấn đề pháp lý, quy hoạch. Bằng cách tra cứu thông tin hoặc đến sở, phòng tài nguyên và môi trường để tìm hiểu, nhà đầu tư có thể biết được vị trí một khu đất đang nằm trong, nằm ngoài hay nằm giáp ranh khu công nghiệp.

Ngoài ra, ông Mười cũng chỉ ra 3 giai đoạn để đầu tư BĐS ven khu công nghiệp. Giai đoạn 1 là khi vừa có thông tin về dự án, rủi ro nhiều nhưng sinh lời cao. Giai đoạn 2, thông tin pháp lý đã hoàn chỉnh, các khu công nghiệp đã định hình, quy hoạch. Nhà đầu tư bắt đầu thi công nhà xưởng, mời nhà máy về hợp tác. Trong giai đoạn này, giá cả và tính thanh khoản BĐS tốt, dễ mua bán, sinh lời. Giai đoạn 3, thông tin minh bạch, nhà xưởng hoàn chỉnh. Nhà đầu tư cần chú ý, đây không còn là thời điểm đầu tư lãi vốn mà là đầu tư dòng tiền.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   Nhật Bản   Việt Nam   chuyên gia   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   quy hoạch   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...