28/10/2020 13:05  
Ngày 28.10, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các Hội đồng tư vấn của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đánh giá chủ trương xã hội hóa giáo dục, y tế, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa

PGS - TS Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học, giáo dục - môi trường, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị đánh giá sâu hơn việc đổi mới đã toàn diện, đã đồng bộ như yêu cầu đề ra hay chưa.
"Phải chăng giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội sự đổi mới chưa thật toàn diện, thiếu đồng bộ tạo nên độ chênh lệch, nhiều khi dẫn đến sự giãn cách giữa đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế, giữa đổi mới kinh tế với đồi mới văn hóa, xã hội, khoa học, giáo dục, đổi mới ở cấp T.Ư với các địa phương... ", ông Hậu nêu.
Ông Hậu cho rằng, không quan niệm cào bằng nhưng để đạt kết quả cao hơn trong công cuộc đổi mới, thì cần một sự đồng bộ. Vì do nhiều nguyên nhân khác nhau, sự thiếu đồng bộ, chưa toàn diện chính là "điểm nghẽn" của công cuộc đổi mới.
"Nếu khắc phục được điểm nghẽn đó, chắc chắn thành tựu của công cuộc đổi mới sẽ còn to lớn hơn nữa, tương xứng với tiềm năng của xã hội ta", ông Hậu nói.
Một vấn đề khác được ông Hậu đề cập là hoàn thiện toàn diện đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo ông Hậu, nền kinh tế thị trường ở nước ta là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Theo ông Hậu, thực tế, đây là bài toán khó, phức tạp, thậm chí đôi khi khó lòng thực hiện, nhất là khi kinh tế liên quan đến vực an ninh, quốc phòng, hoặc ở những địa bàn quan trọng.
"Cần mềm hóa chủ trương này và nhất là cần chỉ ra những điều kiện cần và đủ để kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế", ông Hậu kiến nghị.
Cùng về vấn đề này, GS - TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật, cho rằng Báo cáo Chính trị nói về kinh tế rất sâu nhưng về giáo dục, khoa học, công nghệ thì còn mờ nhạt và đề nghị các văn kiện cần đánh giá sâu sắc hơn chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa giáo dục, y tế.
GS Đường phân tích, chủ trương xã hội hóa giáo dục, y tế có nhiều mặt tích cực song cũng kéo theo nhiều tiêu cực, nếu thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Đề nghị các văn kiện dành chỗ đánh giá sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa giáo dục và y tế, nhất là những mặt còn tiêu cực, hạn chế để thực hiện tốt chủ trương này, nhất là đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa", ông Đường nói.

Chống chủ nghĩa quan liêu mới giải quyết được cái gốc của tham nhũng

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII.
Ông Phạm Xuân Sơn, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn đối ngoại kiều bào, cho rằng Báo cáo chính trị đã giá rõ kết quả công cuộc chống tham nhũng trong thời gian qua và cho biết, đa số mọi người mong muốn công tác này tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
Trong khi đó, PGS - TS Trần Hậu đề nghị cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí đó chính là chủ nghĩa quan liêu.
Theo ông Hậu, chủ nghĩa quan liêu sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, gia trưởng phong kiến, xa dân, thói đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm... Đó là mảnh đất đất dung dưỡng nạn tham nhũng, lãng phí.
"Xử lý vụ án này vụ án khác chỉ là phần ngọn của vấn đề. Chừng nào chưa đặt vấn đề chống chủ nghĩa quan liêu thì chúng ta còn vất vả chống tham nhũng", ông Hậu nhấn mạnh và cho biết, bên cạnh xử lý những vụ tham nhũng lớn, không nên xem nhẹ chống tham nhũng vặt, vì tuy là vặt nhưng ảnh hưởng nhức nhối đối với cuộc sống hàng ngày cũng như lòng tin của người dân. Nếu để tích tụ lâu ngày thì hậu quả sẽ lớn.
"Phải chăng chúng ta mới dừng việc chống tham nhũng vặt ở việc giáo dục, vận động... mà chưa có giải pháp hữu hiệu nào hơn về mặt pháp lý", ông Hậu nêu.
Ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho rằng trong công tác phòng chống tham nhũng có 2 giải pháp cần phải làm tốt hơn là kiểm soát kê khai tài sản và thu hồi tài sản tham nhũng.
Ông Lý đề nghị cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, mỗi người cần có một tài khoản ngân hàng và tất cả các giao dịch trên 5 triệu đồng đều phải thực hiện qua ngân hàng.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp để tội phạm tham nhũng không thể tẩu tán tài sản tham nhũng, đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Việt Nam   doanh nghiệp   kiến nghị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...