17/04/2021 9:11  
Nhiều người cho rằng, xử phạt chủ đầu tư "giam" giữ tiền quỹ bảo trì chưa đủ sức răn đe. Song, theo các luật sư, vấn đề không phải chế tài mà có áp dụng hết mức hay không.

Gần đây, không ít chủ đầu tư "giam" giữ tiền quỹ bảo trì của cư dân đã bị xử phạt. Song, có vẻ như chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe, không ít chủ đầu tư vẫn chây ì việc thành lập ban quản trị dẫn đến khoản tiền này càng lâu về với cư dân.

Tuy nhiên, theo nhận định của luật sư Lê Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Lavi, vấn đề không phải do chế tài chưa đủ sức răn đe, mà do có áp dụng hết các mức chế tài không và cơ chế thực thi các chế tài có thuận lợi, nhanh gọn không.

Theo vị luật sư này, pháp luật xử lý hành chính quy định rất rõ, ngoài hình phạt chính, ví dụ là phạt tiền, thì chủ thể vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. 

Hình phạt bổ sung, theo ông Sơn, có thể là đình chỉ hoạt động một thời gian, tước giấy phép hoạt động. Biện pháp khắc phục hậu quả có thể là buộc khôi phục tình trạng ban đầu, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

"Giả sử chủ đầu tư vi phạm hành chính mà thu lợi bất hợp pháp, cơ quan có thẩm quyền xử phạt áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chủ đầu tư nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp. Biện pháp này khá nặng và có hiệu quả răn đe lớn", ông Sơn nói và cho biết thêm, ngoài ra, người vi phạm hành chính nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.

Do đó, với các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính như vậy, chủ đầu tư sẽ bị xử phạt hành chính với hình phạt chính là phạt tiền, buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, tức là buộc khôi phục tình trạng ban đầu, buộc thực hiện nghĩa vụ. Nếu không sẽ thực hiện sẽ bị cưỡng chế, hoặc có thể bị buộc nộp lại số lợi bất chính.

Cũng theo vị luật sư này, do cơ chế thực thi để chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì trước đây còn chưa rõ ràng và khó thực hiện nên Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. 

Theo đó, nếu chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư cho Ban quản trị nhà chung cư, Ban Quản trị có quyền đề nghị UBND cấp tỉnh để UBND cấp tỉnh yêu cầu chủ đầu tư bàn giao. UBND cấp tỉnh sẽ yêu cầu tổ chức tín dụng, nơi chủ đầu tư phải mở tài khoản để gửi kinh phí bảo trì, cung cấp thông tin về số tài khoản, số tiền trong tài khoản.

Luật sư Sơn khẳng định, từ thông tin này, UBND cấp tỉnh sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư. Nếu tài khoản kinh phí bảo trì không còn tiền hoặc thiếu thì tiền từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư bị cưỡng chế. Trường hợp tài khoản kinh doanh cũng không còn tiền hoặc thiếu thì chủ đầu tư bị kê biên tài sản để bán đấu giá để thực hiện việc chuyển giao kinh phí bảo trì.

"Chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm hành chính về hành vi không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đủ kinh phí bảo trì. Mức phạt có thể lên đến 150 triệu đồng theo quy định của Khoản 7, Điều 66 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc bàn giao kinh phí bảo trì", ông cho hay.

Ngoài ra theo vị luật sư này, chủ đầu tư vẫn có thể bị buộc bồi thường theo pháp luật dân sự nếu gây thiệt hại do hành vi không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đủ kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Thế Hưng

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Nghị định   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...