15/01/2021 10:15  
Việt Nam vừa khép lại một năm xuất khẩu thành công, bất chấp Covid-19. Các FTA vừa ký kết như EVFTA, RCEP mang đến nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp cộng với việc thắt chặt đầu vào từ thị trường lớn như Mỹ, liệu xuất khẩu trong năm 2021 có còn sáng cửa?

Khó đầu ra

Do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường xuất khẩu da giày nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn từ Trung Quốc và tại thị trường Mỹ và châu Âu - chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu da giày của nước ta đóng cửa. Tình trạng này khiến nhiều DN không có đơn hàng mới, các đơn hàng cũ bị kéo giãn thời gian giao hàng. Nhiều DN da giày hoạt động cầm chừng và chủ yếu là duy trì để máy móc không bị rỉ sét. 

Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gia Định cho biết, 2020 thực sự là năm khó khăn của DN khi hàng loạt công nhân phải nghỉ việc, nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống giảm đơn hàng. Các đơn hàng để xuất sang châu Âu và Mỹ giảm 20-30%, thậm chí thị trường Mỹ, lượng đơn hàng giảm đến 50%.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, hơn 60% DN hội viên của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tạm ngưng hoạt động. Trước khó khăn về đầu ra, nhiều DN đã tìm cách ứng phó để duy trì hoạt động và giữ người lao động. Ngành thủy hải sản cũng không khá hơn khi sức mua các mặt hàng thủy sản trên thế giới giảm sút, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nguồn hàng cung cấp cho nhà hàng, khách sạn bị suy giảm đáng kể. 

Đầu ra đã khó, phí vận chuyển lại tăng, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, cũng như nhiều DN thủy sản khác, Thuận Phước bị ảnh hưởng nhiều từ việc tăng giá vận chuyển. Giá vận chuyển bắt đầu tăng từ quý III/2020 và tăng mạnh trong quý IV/2020. Mỗi container trước đây có phí vận chuyển khoảng 1.500 USD đã tăng lên 6.000 - 7.000 USD, container lớn từ 2.500 USD tăng lên tới 9.000 USD, từ 3.000 USD tăng lên 11.000 USD. Dù tăng giá 2-4 lần nhưng DN cũng khó tìm được tàu, phải đặt trước cả tháng mới có, do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, buộc các hãng tàu phải điều chỉnh lại số lượng chuyến và tuyến đường vận chuyển. 

Tiếp tục cầm cự

Trong điều kiện khó khăn đó, Thuận Phước đã nhìn ra phân khúc bán lẻ và siêu thị tăng do người tiêu dùng ở nhà tránh dịch. “Nhờ đảm bảo tiến độ giao hàng, chất lượng hàng hóa và tranh thủ được nguồn cung thiếu hụt từ các quốc gia không kịp cung ứng vì bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan...) nên Thuận Phước vẫn tăng trưởng. Năm 2020, doanh thu xuất khẩu của công ty tăng 9%, đạt 98 triệu USD”, ông Trần Văn Lĩnh chia sẻ. 

Kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do EVFTA đã trở thành cú hích cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng. Tháng 11/2020, Hiệp định RCEP giữa Việt Nam và Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand được ký kết cũng tạo điều kiện cho hàng hóa thông thương giữa các nước với 2,2 tỷ người dùng. Thế nhưng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (đạt hơn 76 tỷ USD năm 2020) và hiện tại nước này đang chú ý đến vấn đề xuất siêu của Việt Nam. Hàng dệt may và đồ gỗ đang trong tầm ngắm điều tra chống bán phá giá từ Mỹ là một rào cản đáng ngại, hạn chế xuất khẩu của Việt Nam. 

Trong lĩnh vực da giày, theo ông Nguyễn Văn Khánh - Phó chủ tịch Hội Da Giày TP.HCM, năm 2020, ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 20 tỷ USD nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chỉ đạt khoảng 17 tỷ USD. Năm nay, DN đã chuẩn bị nguồn nguyên phụ liệu bằng khoảng 50-60% của năm 2020, trước mắt chủ yếu là để “cầm cự”. Hiện tại tình hình tại Tập đoàn Gia Định đã khởi sắc hơn và các đơn hàng đã quay trở lại. “Tuy nhiên, đơn hàng mới để thực hiện đến tháng 2/2021. Đã vậy, thời gian thanh toán các đơn hàng bị kéo dài gấp đôi so với trước đây, lên 180 ngày. Do vậy, DN phải tìm nguồn tài chính để ổn định sản xuất”, đại diện Tập đoàn Gia Định cho biết. 

Le lói “cuối đường hầm” 

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), năm 2021, xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Nếu dịch Covid-19 trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu không được kiểm soát tốt, nhiều nước tiếp tục bị phong tỏa sẽ khiến cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu tận dụng tốt được EVFTA và tình hình dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu trong năm 2021 sẽ tăng 15-20%. Nhưng để thực hiện được điều này, các DN trong ngành phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp chế biến nguyên phụ liệu để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Kế hoạch của ngành da giày trong năm 2021 vẫn là tập trung cho xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Nhận định vẫn còn nhiều khó khăn nhưng theo ông Trần Văn Lĩnh, năm 2021, Thuận Phước tăng thêm 100ha nuôi thủy sản và có thêm nhà máy chế biến trong bối cảnh nhiều đối thủ vẫn bị đứt gãy nguồn cung. Công ty đặt đặt mục tăng 50-60% doanh thu trong năm 2021 này. 

Ông Nguyễn Chánh Trung - Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long khẳng định, trong năm 2021, dù tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn nhưng Việt Nam có thị trường lớn do đã ký đến 14 hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng ở thị trường trong nước cũng tăng cao. Hiện Tân Long có thể sản xuất 6.000 - 8.000 tấn lúa tươi mỗi ngày và cho ra 3.000 - 4.000 tấn gạo thành phẩm. Do đó, Tân Long đặt mục tiêu sẽ tăng đến 50% doanh số xuất khẩu và tăng gấp đôi doanh số nội địa trong năm 2021. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Nhật Bản   Trung Quốc   Tập đoàn   Việt Nam   doanh nghiệp   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...