Nghị định 91/2020 đã quy định chi tiết về việc thực hiện hành vi quảng cáo qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử. Trong đó, có các yêu cầu cụ thể về nguyên tắc quảng cáo, gắn nhãn quảng cáo, thông tin của người quảng cáo, chức năng từ chối quảng cáo,...
Đáng chú ý khi Điều 32 của Nghị định 91/2020 đã bổ sung cho Điều 94 của Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Theo quy định mới, hành vi gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được đồng ý, gọi điện thoại quảng cáo đến người đã từ chối nhận cuộc gọi, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.
Hành vi thực hiện quá 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng sẽ bị xử phạt với số tiền từ 20-30 triệu đồng. Đây cũng là số tiền xử phạt cho hành vi gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng.
Trong trường hợp gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông hay gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý với số tiền từ 60-80 triệu đồng.
Nghị định 91/2020 cũng đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của một định nghĩa mới là Danh sách không quảng cáo.
Danh sách không quảng cáo (DoNotCall) là tập hợp các số điện thoại đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào.
Người quảng cáo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet không được phép gọi điện thoại quảng cáo, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo, gửi tin nhắn quảng cáo tới bất kỳ số điện thoại nào nằm trong Danh sách không quảng cáo.
Theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 91/2020, đối tượng có hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo sẽ bị xử phạt với số tiền từ 80-100 triệu đồng.
Không chỉ đưa ra mức xử phạt đối với hành vi vi phạm, Nghị định 91/2020 cũng quy định rất rõ về trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ thư điện tử, tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo và các dịch vụ nội dung qua tin nhắn.
Những đơn vị này còn phải cung cấp công cụ cho phép người sử dụng phản ánh và tự chủ động trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác.
Nếu không thực hiện các biện pháp ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến Danh sách không quảng cáo và không ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ phải nộp phạt số tiền từ 140-170 triệu đồng.
Nghị định 91/2020 đi vào hiệu lực được đánh giá sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc ngăn chặn thư rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, từ đó giúp làm trong sạch thị trường viễn thông Việt Nam.
Trọng Đạt
doanh nghiệp Chính phủ Thủ tướng Việt Nam doanh nghiệp dịch vụ dịch vụ hành vi