04/10/2021 13:20  
Vùng áp thấp khả năng cao sẽ đi vào Biển Đông và mạnh lên thành bão, sau đó tương tác với không khí lạnh nên diễn biến rất khó lường.

Theo ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia), hiện ở vùng biển Đông Nam Philippines đang có một vùng áp thấp hoạt động. Dự báo khoảng ngày 6-7/10, vùng áp thấp này đi vào Biển Đông, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Những ngày sau đó, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.

Cũng trong khoảng thời gian này (từ đêm 10-11/10), một đợt không khí lạnh tăng cường mạnh xuống nước ta. Không khí lạnh có khả năng tương tác với cơn bão/ATNĐ nên diễn biến của bão/ATNĐ những ngày đầu tháng 10 sẽ rất phức tạp và khó lường.

Ông Năng cho biết thêm, tháng 10 và tháng 11 được dự báo là sẽ có nhiều bão, ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, đây cũng là thời gian cao điểm của mùa mưa bão năm 2021. Do đó, cần đề phòng mưa lớn xảy ra ở khu vực Trung Bộ (đặc biệt là các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ) trong tháng 10, tháng 11 và gió mạnh trên biển do hoạt động của gió bão và ATNĐ trên Biển Đông.

Tháng 10 và 11 cũng là cao điểm trong mùa mưa bão cho khu vực Trung Bộ với lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.

Dự báo, từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Trên đất liền, mặc dù chưa chịu tác động trực tiếp của bão hay không khí lạnh, nhưng do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh nên từ ngày 5-7/10 ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Khu vực Tây nguyên và Nam Bộ chiều và đêm có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to.

Để chủ động ứng phó với khả năng xuất hiện bão/ATNĐ trên biển và mưa lớn trên đất liền, ngày 4/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo và diễn biến mưa, lũ để chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc có thể xảy ra.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế; đồng bằng, ven biển Bắc Bộ, Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, mưa dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.

Các đơn vị tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Dự báo thời tiết  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...