19/05/2021 8:10  
Dù đã có 25 năm kinh nghiệm, nhưng mỗi lần thực hiện chuyến lặn biển, ông Hậu vẫn phải tính toán kỹ từng thao tác và không ngừng thầm mong cho công việc được may mắn.

Vào những ngày giữa tháng 5, chúng tôi được theo chân ngư dân Trần Xuân Hậu và Trần Xuân Dương (ở xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để mục sở thị công việc của họ - nghề lặn biển.

Đã bước sang tuổi 50, nhưng ông Hậu vẫn rất rắn chắc, đúng chất đàn ông miền biển. Đã có 25 năm gắn bó với nghề lặn biển, ông thường hành nghề gần bờ, dọc các bãi đá ở xã Kỳ Ninh, Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh, để bắt ốc, săn cá.

"Lặn là nghề nhọc nhằn và nhiều rủi ro. Nhưng vì miếng cơm, manh áo nên tôi không thể bỏ nghề được. Người dân nơi đây ít ruộng, nên có người chọn đi xuất khẩu lao động, còn lại thì phải bám lấy biển", ông Hậu tâm sự.

Ðể có thể hành nghề, mỗi thợ lặn phải trang bị rất nhiều dụng cụ như bộ đồ nhái, kính mắt, bình hơi, dây, đèn, cuộn chì...

Theo ông Hậu, trong quá trình hành nghề đòi hỏi phải có ít nhất 2 người. Người khỏe mạnh, có kinh nghiệm sẽ thực hiện công việc lặn xuống biển, người còn lại ở trên thuyền để hỗ trợ người lặn. Cũng có thể 2 người sẽ luân phiên nhau để thực hiện các phần việc.

Thường mỗi ngày, khoảng 7h, thuyền của ông Hậu xuất phát từ bến cá xã Kỳ Hà. Sau gần 1h, thuyền của ông Hậu đã đến vùng biển Kỳ Ninh để bắt đầu công việc.

"Hôm nay thuyền đi gần hơn mọi ngày, chúng tôi sẽ đi săn cá dọc các dãy đá ven biển Kỳ Ninh, khu vực này hay có cá nâu, cá choạc", ông Hậu nói.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ đồ nghề, ông Hậu nhảy xuống rồi như "biến mất" giữa mênh mông nước biển. Người trên thuyền chỉ có thể nhận biết vị trí của ông thông qua các bọt khí sủi lên mặt nước. Trên thuyền, anh Trần Xuân Dương (38 tuổi, người làm cùng với ông Hậu) được giao nhiệm vụ thả dây, giữ ống thở cho ông Hậu lặn xuống săn cá.

"Nghề lặn đòi hỏi phải có sức khỏe, độ bền, bởi thường lặn ở độ sâu hơn 10 m, có khi lặn gần 1h mới ngoi lên, nhất là khi gặp luồng cá. Hôm nay, chúng tôi săn cá ở vùng biển này nông hơn, chỉ sâu từ 3-4 m", anh Dương cho biết.

Cũng theo anh Dương, nghề lặn không những cực nhọc khi phải lặn cả giờ đồng hồ dưới nước biển, mà còn có thể gặp nhiều nguy hiểm như bị ngạt khí, bị nước ép.

"Chúng tôi chỉ hành nghề gần bờ, ở những vùng nước sâu chừng 10 m trở lại. Có nhiều người lặn ở những vùng nước sâu hàng chục mét thì càng nguy hiểm hơn. Nhiều người ngạt khí, bị nước ép khiến tay chân bị liệt", anh Dương cho biết.

Sau gần 30 phút thực hiện công việc lặn xuống biển, ông Hậu cũng đã kết thúc cuộc săn đầu tiên trong chuyến đi.

"Chúng tôi dùng xỉa hoặc súng bắn tên để săn cá, nhưng hôm nay biển khá động nên săn khó hơn", ông Hậu nói và giơ lên mấy chú cá nâu, cá choạc là "chiến lợi phẩm" cho chúng tôi xem.

Lên thuyền, ông Hậu ngồi nghỉ lấy sức chừng 15 phút rồi lại tiếp tục cuộc săn thứ hai. Cứ thế, công việc của ông kéo dài đến gần chiều tối mới quay về.

"Ngày may mắn, sau khi trừ các chi phí mỗi người được khoảng hơn 1 triệu đồng, ngày ít thì chừng vài trăm nghìn thôi. Cực lắm chú ơi, có người đã phải bỏ mạng với nghề này rồi", ông Hậu cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Luyện - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà, địa phương này hiện có hơn 1.200 lao động làm nghề đi biển.

"Làm nghề biển rất vất vả, nhất là nghề lặn phải đối diện với nhiều nguy hiểm. Biết là vất vả, nguy hiểm nhưng đó là công việc giúp người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn", ông Luyện cho biết thêm.

Xuân Sinh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Loading…
Bấm để xem thêm ...