29/03/2021 15:11  
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình khẳng định, 2 dự án dự thi cuộc thi KHKT cấp quốc gia của học sinh trường THPT Hoa Lư A mặc dù có tên gần giống nhau, nhưng vấn đề được nghiên cứu, giải quyết là khác nhau.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2021 (Bộ GD&ĐT tổ chức từ ngày 25 - 27/3 tại Huế) có 141 dự án từ 69 đơn vị với 262 học sinh tham gia. Trong đó, cấp THPT có 113 dự án với 210 học sinh; cấp THCS có 28 dự án với 52 học sinh.

Cuộc thi đã tìm ra 91 dự án đạt giải, trong đó 12 dự án đạt giải nhất, 19 dự án đạt giải nhì, 26 dự án đạt giải ba và 34 dự án đạt giải tư. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao tặng 30 giải triển vọng.

Hai học sinh Nguyễn Trần Đạt và Đinh Hoàng Nam, học sinh trường THPT Hoa Lư A, đạt giải nhất cuộc thi với dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" (lĩnh vực thi Hệ thống nhúng).

Không lâu sau khi có kết quả giải nhất, đã có nhiều ý kiến cho rằng dự án của 2 học sinh có sự trùng lặp, tương tự với dự án "Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân" của em Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật Tân (cùng trường THPT Hoa Lư A, giải nhất cuộc thi KHKT cấp tỉnh Ninh Bình năm 2019), đã giành giải nhì trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2019.

Việc 2 dự án có tên gần tương tự, thi ở 2 năm khác nhau, cùng đến từ trường THPT Hoa Lư A và do một thầy giáo hướng dẫn, dẫn đến một số ý kiến nghi ngờ.

Sáng 29/3, trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình khẳng định: "Hai dự án mặc dù có tên gần giống nhau nhưng vấn đề được nghiên cứu, giải quyết là khác nhau".

Ông Khâm lý giải: Dự án giường I.o.T (năm 2019) giúp người chăm sóc bệnh nhân vận hành từ xa thông qua mạng Internet một cách linh hoạt để cho người bệnh ăn, uống, vệ sinh, di chuyển giường đi lại chính xác và an toàn; cảnh báo kịp thời nhịp tim về email cho người thân; camera live stream tương tác truyền hình ảnh trực tiếp của người bệnh đến người thân…

Còn giường thông minh (dự án vừa đạt giải nhất) hỗ trợ người bệnh (liệt cả chân lẫn tay) có thể tự phục vụ cho chính mình bằng giọng nói mà không cần sự trợ giúp của người thân trong việc tập, phục hồi cả chân lẫn tay cũng như tự mình bật các chức năng giải trí bằng cử chỉ há miệng (nhận diện khuôn mặt), để người bệnh tự chủ động điều khiển giúp giải phóng sự vất vả của người chăm sóc; đồng thời hệ thống còn có chức năng theo dõi và thông báo các thông số về sức khỏe của người bệnh cho người thân thông qua App do tác giả lập trình trên smartphone, máy tính bảng.

"Điểm ưu việt của giường thông minh so với giường I.o.T chính là tự người bệnh (liệt cả chân lẫn tay) có thể phục vụ cho chính mình bằng giọng nói mà không cần sự trợ giúp của người thân trong việc tập phục hồi cả chân lẫn tay cũng như tự mình bật các chức năng giải trí bằng cử chỉ há miệng để người bệnh tự chủ động điều khiển giải phóng sự vất vả của người chăm sóc", ông Khâm chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình biết thêm, sau khi có thông tin phản ánh về dự án đạt giải nhất cuộc thi KHKT năm 2021 của học sinh trường THPT Hoa Lư A, Sở đã xem xét lại toàn bộ 2 dự án, cho 2 học sinh và thầy giáo hướng dẫn báo cáo cụ thể về dự án. Sở đã rà soát lại, sau đó có báo cáo nhanh về Bộ GD&ĐT.

"Hai dự án hoàn toàn khác nhau. Việc này đã được Ban Tổ chức xem xét, đánh giá cụ thể mới chấm đạt giải. Các ý kiến về vấn đề này cần tìm hiểu kỹ, phản ánh đúng, trung thực, khách quan, tránh gây tổn thương đến tâm lý học sinh dự thi và giáo viên hướng dẫn. Đồng thời cũng không gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục Ninh Bình", ông Khâm nói.

Thái Bá

Nguồn tin: dantri.com.vn


Lãnh đạo   lập trình  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...