16/09/2022 23:23  
Theo khẳng định của nhiều doanh nghiệp lữ hành, việc không thể xin visa đến Đức đối với người Việt Nam dùng hộ chiếu mẫu mới hay khách du lịch nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam chỉ có thời hạn miễn thị thực 15 ngày khiến việc kinh doanh gặp nhiều trở ngại.

Chính sách miễn thị thực 15 ngày của Việt Nam quá ngắn so với nhu cầu của du khách Âu-Mỹ

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings vớiDoanh Nhân Sài Gòn, một trong những rào cản lớn nhất để thu hút khách quốc tế từ những thị trường tiềm năng đến Việt Nam là chính sách visa (thị thực) chỉ cho phép miễn thị thực 15 ngày. "Đây là vấn đề gây ách tắc lớn nhất cho khách nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là dòng khách Việt kiều", ông Kỳ nói và cho biết, quy định này khiến doanh nghiệp lữ hành khó cạnh tranh trong việc kéo du khách đến Việt Nam.

Đồng tình về điều này, ông Nguyễn Ngọc Toản – Giám đốc Công ty Image travel & events, chuyên thực hiện tour du lịch inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam), cho biết thêm, khách châu Âu thường có xu hướng du lịch dài ngày, khoảng từ 3 tuần đến một tháng. Vì thế, việc chỉ miễn thị thực trong thời gian 15 ngày khiến nhiều khách du lịch nước ngoài ngại vì phải làm thủ tục xin visa nhập cảnh nếu muốn ở lại nhiều hơn.

"Điều này khiến doanh nghiệp lữ hành không thể giữ chân du khách nước ngoài ở lại Việt Nam lâu hơn vì thời hạn miễn visa quá ngắn so với xu hướng và nhu cầu du lịch của khách quốc tế, đặc biệt khách đến từ thị trường tiềm năng như châu Âu. Theo đó cũng làm giảm doanh thu của ngành dịch vụ", ông Toản nói.

Ông cho biết, dòng khách từ thị trường này khi du lịch Đông Nam Á thường chọn nhập cảnh Việt Nam, sau đó đi các quốc gia trong khu vực rồi quay trở lại để về nước. Tuy nhiên, chính sách visa hiện tại của Việt Nam chỉ miễn thị thực cho khách nhập cảnh một lần (những lần sau phải trả phí dù vẫn trong thời hạn 15 ngày - PV). Theo ông Toản, điều này cũng khiến ngành hàng không bị mất doanh thu.

Cũng theo ông Toản, để tạo thuận lợi cho lữ hành cũng như góp phần thu hút được khách quốc tế đến Việt Nam lưu trú lâu ngày, Nhà nước cần có chính sách miễn visa dài hơn, có thể tối thiểu 30 ngày và được ra – vào nhiều lần trong khoảng thời gian đó, hoặc thực hiện thu phí thị thực ngay từ đầu với một khoản nhất định đối với khách quốc tế nhưng thủ tục phải đơn giản nhất có thể, "để tránh tình trạng du khách cảm thấy nhiêu khê, rườm rà", ông Toản nói.

Khách sử dụng mẫu hộ chiếu phổ thông mới không xin được visa vào Đức

Với hoạt động du lịch outbound (đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài), ông Hồ Đức Phú – Giám đốc Hanoitoursit tại TP.HCM cho hay người Việt nhập cảnh vào Nhật Bản vẫn phải bị cách ly, còn Hàn Quốc chỉ miễn cách ly du khách khi họ chọn đến đảo Jeju.

Riêng tuyến du lịch châu Âu, theo chia sẻ của bà Huỳnh Phan Phương Hoàng – Phó tổng giám đốc Vietravel, hiện Đức không cấp visa đối với người Việt Nam dùng hộ chiếu mẫu mới.

Theo bà Hoàng, có khoảng 10-20% khách hàng chọn tour châu Âu đã đổi sang sử dụng hộ chiếu mẫu mới. Mà hiện tại tour đi châu Âu, khách Việt thường chọn các quốc gia trong khối Schengen (bao gồm 6 nước: Pháp, Đức, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan và Ý), vì thế đa số các công ty làm tour đi châu Âu thường chọn đường bay trực tiếp từ Hà Nội đi Đức, khai thác tàu bay của hãng Bamboo Airways.

"Việc Đức không cấp visa khiến các tour châu Âu bị đảo lộn, phải thay đổi chương trình tour (không vào nước Đức) và thay đổi cả đường bay", ông Vũ Văn Tuyên - CEO Công ty du lịch Travelogy Việt Nam cho biết. 

Theo ông Tuyên, để xin thị thực vào các nước khối Schengen, khách bắt buộc phải có lịch trình tour và mã code vé máy bay cụ thể. Ngoài ra, nhu cầu người dân đi nước ngoài sau dịch tăng nên khối lượng hồ sơ xin visa tại các Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán tương đối nhiều. "Thông thường, để có lịch hẹn phỏng vấn xin visa đi châu Âu vào tháng 8, doanh nghiệp/người dân sẽ phải nộp hồ sơ từ tháng 4", ông Tuyên nói và cho biết thêm, bây giờ nếu rút hồ sơ của du khách để xin visa nhập cảnh vào Pháp hay một quốc gia khác trong khối Schengen cũng phải đợi rất lâu mới tới lượt.

Như vậy, việc Đức không cho phép du khách Việt có hộ chiếu phổ thông mẫu mới nhập cảnh vào Đức có thể làm đảo lộn lịch trình tour châu Âu của nhiều doanh nghiệp. Họ đang "ngồi trên đống lửa" vì chưa biết có được hãng hàng không hỗ trợ hoàn/đổi vé cho khách hay không.

Liên quan đến việc hỗ trợ khách đã mua vé máy bay khởi hành từ Việt Nam đi Đức trong thời gian tới, phóng viênDoanh Nhân Sài Gònđã liên hệ qua điện thoại với đại diện các hãng hàng không Bamboo Airways, Vietnam Airlines, và được biết vấn đề khá mới nên các hãng đang chờ văn bản hướng dẫn từ phía Nhà nước."Về nguyên tắc, hãng sẽ ưu tiên tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ khách hàng", đại diện Bamboo Airways nói.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Airlines   CEO   Doanh Nhân   HCM   Hà Nội   Nhật Bản   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...