20/10/2022 10:15  
Ngày 19/10, tại TP.HCM, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) đã phối hợp với Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và SEA Logistic Partners (SLP Việt Nam) tổ chức "Diễn đàn Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển".

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam đứng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, với 30.000 DN hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, 89% là DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, 10% là DN liên doanh và 1% là DN 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.

Đánh giá về tiềm năng của ngành logistics, ông Đào Trọng Khoa - Phó chủ tịch thường trực VLA cho biết, gần đây xu hướng vận chuyển, logistics và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số phát triển mạnh, đồng thời thương mại điện tử và e-logistics có đà tăng trưởng tốt. Đây là những cơ hội để DN cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các DN logistics Việt Nam có quy mô nhỏ và gặp nhiều hạn chế về vốn, công nghệ cũng như năng lực hoạt động ở thị trường quốc tế. Sự thiếu liên kết giữa cộng đồng DN cùng lĩnh vực và sự thiếu kết nối giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics đã làm giảm năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam. Theo đó, DN logistics Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% thị phần thị trường trong nước, còn lại thuộc về các DN nước ngoài.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ, còn phân tán, thiếu tính kết nối giữa các khâu từ vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tới lưu trữ kho bãi và quản trị chuỗi cung ứng. Quy mô và phạm vi dịch vụ của các trung tâm logistics chỉ chủ yếu phục vụ nhu cầu của DN hoặc trong phạm vi địa phương, chưa đủ để phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế.

Ngành logistics Việt Nam cũng chưa làm tốt việc áp dụng khoa học kỹ thuật khi hệ thống cung ứng các chuỗi dịch vụ logistics thiếu sự tích hợp, chưa áp dụng số hóa tổng quản lý; tự động hóa trong vận hành vẫn là một khái niệm mới mẻ. Trong khi đó, nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa, đáp ứng sự phát triển của các nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử tại Việt Nam là rất cao.

Để hỗ trợ các DN logistics, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đã thành lập Nhóm công tác về logistics gồm các thành viên trong Ban chấp hành VCCI, đồng thời kiến nghị thành lập Tổ công tác liên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương. Qua đó, VCCI đề xuất giải pháp xây dựng đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình chi phí logistics “leo thang” và thiếu hụt về số lượng container nghiêm trọng năm 2021.

Đặc biệt mới đây, VCCI đã hợp tác cùng VLA khởi động dự án "Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh" (Logistics Competitiveness Index - LCI) Việt Nam 2022. Dự án sẽ giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển logistics  tại nhiều địa phương trên cả nước, đồng thời góp phần cắt giảm chi phí logistics, hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả.

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia cho rằng, đã có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động logistics tại Việt Nam. Tuy vậy, thị trường logistics, nhất là thương mại điện tử đặt ra nhiều bài toán vận hành tối ưu hơn, hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Do đó, các DN logistics Việt Nam phải thay đổi và "chuyển mình" theo xu hướng đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi hiện đại, áp dụng quản lý số và tự động hóa trong vận hành và quản trị doanh nghiệp.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


HCM   Hiệp hội   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   hành vi   hợp tác   kiến nghị   logistics   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...