12/12/2020 8:15  
Thị trường 100 triệu dân được kỳ vọng là “chìa khóa” để du lịch nội địa vượt bão khủng hoảng Covid-19 từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, trước tình trạng dịch Covid-19 tiếp tục có thêm ca nhiễm mới, các doanh nghiệp (DN) du lịch lại lo kịch bản đối phó mới để... không lặp lại tình trạng "ngủ đông".

Nỗ lực kích cầu và liên kết

Sau đợt dịch Covid-19 lần hai được  kiểm soát, hàng  loạt chương trình kích cầu, hợp tác phát triển du lịch nội địa giữa TP.HCM và các địa phương được xem là giải pháp hiệu quả nhằm tái khởi động các hoạt động quảng bá, thúc đẩy người dân quay lại đi du lịch nội địa và chuẩn bị đón du khách quốc tế quay lại.

 Đơn cử trong tháng 11/2020, TP.HCM liên kết với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và các tỉnh Đông Bắc (Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc). Mới đây nhất là liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế) .

Về phía DN, Saigontourist cũng đặt chỉ tiêu một năm phát triển ít nhất 3 tour mới liên quan vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đặt chỉ tiêu bình quân hằng năm đưa khách theo các tuyến đường bộ, đường hàng không, đường biển đến các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tăng trên 20% trong tình hình thị trường du lịch hồi phục trở lại.  

Theo ông Trần Đoàn Thế Duy - Quyền Tổng giám đốc Công ty Vietravel, tại khu vực miền Trung cần tập trung phát triển và đa dạng hóa các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch di sản... Các địa phương cùng nhau phối hợp rà soát và làm mới lại sản phẩm chung “Con đường di sản miền Trung” bên cạnh những sản phẩm du lịch đặc trưng từng địa phương.

Kịch bản song hành

Trong cuộc họp báo công bố kế hoạch phát triển du lịch mới đây, ngành du lịch thành phố kỳ vọng sẽ đạt 15 triệu du khách từ nay đến cuối năm 2020. Để làm được điều này, bên cạnh việc kích cầu du lịch, việc ứng phó tình huống xấu nhất khi dịch bệnh còn phức tạp là một kịch bản luôn được đặt ra. Trong đó, công tác phòng, chống dịch được đặt trọng tâm hàng đầu, bởi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch mới đem lại điều kiện cần và đủ cho ngành du lịch sớm phục hồi như kỳ vọng.

 Trước thông tin TP.HCM xuất hiện một số ca nhiễm Covid-19, nhiều điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch... nhanh chóng đưa ra kịch bản ứng phó để ngành này không bị ngủ đông. 

Theo Sở Du lịch TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố, phổ biến và triển khai các quy định về công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cụ thể, để đảm bảo sự an toàn cho du khách, Sở Du lịch có văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, các cơ sở lưu trú, ăn uống, mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch và các điểm tham quan, khu vui chơi giải trí trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch.

Riêng các khách sạn cách ly có trả phí (hay còn gọi cơ sở lưu trú du lịch làm điểm cách ly y tế có trả phí) phải thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch tại cơ sở lưu trú làm nơi cách ly; hướng dẫn đăng ký cách ly y tế có thu phí cho người nhập cảnh làm việc tại TP.HCM; triển khai hướng dẫn y tế phòng, chống dịch đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày... Chuẩn bị cơ sở vật chất và dịch vụ tốt để phục vụ người cách ly tại cơ sở như chuẩn bị phòng ngủ, các vật dụng cần thiết cho người cách ly lưu trú trong nhiều ngày; duy trì công tác phun, khử khuẩn các khu vực công cộng có tiếp xúc với người bị cách ly; xử lý vệ sinh môi trường và cung cấp các bữa ăn trong ngày đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của khách sạn.

Bên cạnh đó, định kỳ 1 lần/ngày, khách sạn làm điểm cách ly có trả phí báo cáo về Sở Du lịch và các cơ quan y tế có liên quan về số lượng khách đang cách ly tại cơ sở, số lượng khách đã đăng ký, công suất, số lượng buồng/phòng đang sử dụng, sức khỏe người cách ly... 

Phía các DN du lịch cũng có những kịch bản ứng phó, ông Trần Thanh Vũ - CEO VinaGroup Travel cho biết: “Trước đây, 80% hoạt động của công ty chúng tôi là các sản phẩm du lịch tour outbound (Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, châu Âu), nội địa chiếm khoảng 20%. Khi dịch bùng phát, chúng tôi xoay chuyển qua thị trường nội địa nhằm lấy ngắn nuôi dài. Trong đó, xác định một số tuyến điểm du lịch mới lạ, các tour hướng về sinh thái, du lịch biển đảo và du lịch kết nối để thay đổi theo hướng thị trường đang dịch chuyển. 

Đặc biệt, thiết kế một số sản phẩm phù hợp giá cả cho khách hàng, thay vì chỉ tập trung vào phân khúc thị trường cao cấp như trước đây. Cụ thể, thay vì hướng khách hàng đến các tour về miền Tây tham gia các hoạt động dân dã, khám phá các đảo xa như Phú Quý, Côn Đảo hoặc Lý Sơn... khách hàng sẽ được dùng những dịch vụ cao cấp mà trước đây chỉ dành cho khách nước ngoài. Giá dịch vụ ở những nơi này cũng được giảm mạnh (30-50%) nên khách hàng rất thích. Trong mấy ngày qua, khi có một số ca nhiễm bệnh trở lại, dù khách không hủy tour nhưng hầu hết đều dời ngày lại và công ty đã lên kịch bản ứng phó để thực hiện các biện pháp an toàn theo quy định của Nhà nước”.  

Ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng  phòng Công ty Du lịch TSTtourist  cũng cho biết: “Trước thông tin về những ca Covid-19 vừa phát hiện tại TP.HCM, các DN lữ hành đều lo lắng vì đây chính là thời điểm chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch Xuân đang đến. TSTtourist cùng lúc giải quyết nhiều việc như củng cố công tác phòng dịch, nắm bắt thông tin diễn biến, tâm lý khách hàng và đảm bảo sự linh hoạt trong kế hoạch điều hành tour trong mùa cao điểm Tết.  Bên cạnh đó, thực hiện nguyên tắc 5K: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế. Thực hiện việc phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh tay và đo thân nhiệt, trang bị khẩu trang, đeo khẩu trang bắt buộc đối với tất cả nhân viên. Giám sát nhân viên tại các khu vực có người nhiễm Covid-19, không xảy ra tình huống bất ngờ trong việc điều tiết nguồn nhân lực.   

 Mặc dù đến nay chưa ghi nhận những tình huống phát sinh từ dịch vụ, cũng như tâm lý khách hàng làm ảnh hưởng đến các chuyến đi, do các tour đã lên lịch khởi hành từ tháng 12/2020 phần lớn tập trung theo hành trình Đông Bắc và các tuyến miền Trung, các tour cuối tuần các tỉnh Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, trên tinh thần vừa chống dịch vừa kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, TSTtourist luôn duy trì tinh thần hoạt động chủ động và tích cực, những công tác liên quan dịch vụ, công tác điều hành cũng đã hoàn tất và luôn trong trạng thái làm việc cao độ, không để xảy ra tình huống bất ngờ.

Về phía DN cũng có nhiều kiến nghị Chính phủ cân nhắc giảm một số loại thuế, như thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ phục hồi sau Covid-19. "Trước đây ngành du lịch có thị trường quốc tế, nay còn mỗi trong nước và tình hình thị trường còn khó khăn. Giai đoạn này đang khôi phục và một số loại thuế phải đóng hiện nay chưa phù hợp lắm với tình hình. Cần gia hạn thêm thời gian nộp thuế kéo dài 12 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN, đối với cá nhân gia hạn kéo dài 12 tháng đối với thuế thu nhập cá nhân dành cho người lao động làm việc trong ngành du lịch. Đồng thời gia hạn đến 12 tháng đối với tiền thuê đất của các DN lữ hành”, đại diện một DN kiến nghị. Bởi, theo vị đại diện này, nếu chỉ gia hạn 5 tháng thì  DN không đủ thời gian tái tạo và hồi phục. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


CEO   Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   Nhật Bản   Việt Nam   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   dịch vụ lữ hành   hợp tác   khủng hoảng   kiến nghị   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...