15/10/2020 15:15  

TPHCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo tại Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI, Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong, cho biết trong bối cảnh phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và hình thành các thành phố thông minh đã trở thành xu thế phát triển của các quốc gia. Trên thực tế, tình trạng biến đổi khí hậu, nóng lên và nước biển dâng trên toàn cầu và sự diễn biến phức tạp kéo dài của dịch bệnh sẽ đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển bền vững.

Đáng chú ý, đầu năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, gây áp lực lớn trong đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới.

Mục tiêu, đến năm 2025, TPHCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 - 9.000 đô la Mỹ.

Tiếp đó, đến năm 2030, TPHCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 - 14.000 đô la, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 40.000 đô la, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết TPHCM cũng đề ra 26 chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong đó đáng chú ý có một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hàng năm từ 8 - 8,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%.

Thành phố phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt từ 8.500 - 9.000 đô la/người. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP.

Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%. Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm. ….

Theo ông Phong, TPHCM sẽ tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Đó là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.

Thành phố sẽ nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao; ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy vai trò Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh,...

Thành phố sẽ khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Trong giai đoạn tới, Thành phố sẽ tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, quy hoạch hạ tầng dịch vụ. Triển khai thực hiện Đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Kế hoạch phát triển ngành logistics giai đoạn 2020 - 2030.

Việc chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng khuyến khích sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và xuất khẩu phần mềm, sản phẩm nội dung số cũng sẽ được Thành phố thực hiện trong giai đoạn tới.

Thành phố sẽ đẩy mạnh mở rộng thị trường, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa; khuyến khích ứng dụng thương mại điện tử, phát triển các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh.

Phát triển du lịch kết hợp phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố, trong đó sẽ đẩy mạnh hợp tác du lịch với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ.

Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (gồm cơ khí, điện tử- công nghệ thông tin, cao su - nhựa, lương thực - thực phẩm -PV).

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế biển. Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường tài chính, theo chuẩn mực của kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập quốc tế.

Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Thành phố cũng sẽ huy động và khai thác mạnh mẽ tiềm năng các nguồn lực tài chính trong nước, ngoài nước để đầu tư phát triển thành phố,...

Theo ông Nguyễn Thành Phong, TPHCM sẽ phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững.

Về phát triển đô thị, TPHCM sẽ nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn công tác quy hoạch với tổ chức thực hiện quy hoạch, xem quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố sẽ đẩy mạnh thiết kế đô thị toàn diện, đồng bộ khu trung tâm thành phố, khu đô thị mới và các khu đô thị hiện hữu; hoàn thành quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Đánh chú ý, Thành phố sẽ tiếp tục phát triển xây dựng theo hướng đô thị xanh, văn minh, thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới: Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Nam thành phố, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là triển khai đúng tiến độ Đề án xây dựng đô thị thông minh đồng bộ với phát triển kinh tế số và xã hội số; đưa vào khai thác, vận hành có hiệu quả Kho dữ liệu dùng chung; đầu tư hoàn thiện Trung tâm điều hành thông minh và Trung tâm dự báo thuộc Đề án. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi dữ liệu số của toàn thành phố trước năm 2025.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   HCM   TPHCM   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   khủng hoảng   kinh tế mũi nhọn   logistics   quy hoạch   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...