24/10/2020 9:15  

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trên cơ sở kế thừa quy định của Thông tư số 22/2016 và Thông tư 15/2018, bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung, nhằm bảo đảm kiểm soát hoạt động mua, bán TPDN của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tỷ lệ nợ xấu dưới 3%

Theo đó, dự thảo Thông tư bổ sung quy định về hoạt động gồm mua TPDN từ tổ chức, cá nhân và TCTD khác; và hoạt động bán TPDN cho tổ chức, cá nhân và TCTD khác.

Cụ thể, các TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm liền kề trước năm mua TPDN, trừ trường hợp mua theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt,

Ngoài ra, TCTD cũng không được mua (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại TCTD mua và tại TCTD khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định phê duyệt mua.

Bên cạnh đó, một quy định quan trọng nữa là các TCTD không được mua TPDN phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

Kiểm tra hoạt động của TCTD trong thời gian qua, NHNN phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động, nhưng thực tế huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác, để các doanh nghiệp này thực hiện dự án hoặc tiếp tục thực hiện góp vốn, mua cổ phần. Do đó, TCTD khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu, tình hình thực hiện dự án.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư còn quy định chặt chẽ hơn về giao dịch trên thị trường với quy định TCTD không được mua lại TPDN đã bán (hoặc phát hành cùng lô, cùng đợt với TPDN đã bán) trong vòng 12 tháng, trừ trường hợp bán TPDN theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Quy định này là để “tránh trường hợp các TCTD bán TPDN cho TCTD khác vào cuối năm và mua lại vào đầu năm sau để tìm cách không tuân thủ quy định của NHNN về kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm”.
Nhiều quy định khác của dự thảo Thông tư cũng kế thừa lại Thông tư cũ, như không được vay vốn để mua TPDN, mua TPDN chuyển đổi phải tuân thủ quy định pháp lý về góp vốn mua cổ phần.

Đặc biệt các TCTD cũng không được mua TPDN để cơ cấu lại nợ. Ngay cả trường hợp một đợt phát hành TPDN với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích cơ cấu lại khoản nợ, thì TCTD cũng không được mua TPDN.

“Trong thời gian qua đã phát sinh việc TCTD mua TPDN phát hành với mục đích để cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ”, NHNN đánh giá.

 

Phải giám sát khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng có những điều khoản ràng buộc trách nhiệm của các TCTD khi phải giám sát khả năng trả nợ của các doanh nghiệp phát hành, kể cả “trái phiếu xanh” (các dự án bảo vệ môi trường).

Các TCTD bán TPDN cũng phải tuân thủ quy định về công bố thông tin theo luật định, cung cấp đầy đủ và chính xác về thông tin trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp được quy định trong nhiều điều luật liên quan, không chỉ là các Luật các TCTD, Luật chứng khoán, Luật doanh nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan khác.

Hoạt động trái phiếu doanh nghiệp đang được các cơ quan quản lý chặt hơn sau thời gian tăng trưởng nóng.
Ngày 9-7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành , bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018, quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1-9-2020.

Nhìn chung, Nghị định sửa đổi gần giống với tinh thần của dự thảo trước đó do Bộ Tài chính đưa ra vào đầu năm nay, nhưng cũng có điểm cởi mở hơn.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán BVSC, cập nhật số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, luỹ kế 9 tháng đầu năm tổng giá trị phát hành TPDN đạt 303.802 tỉ đồng.

Trong đó, nhóm Ngân hàng chiếm hơn 35% (kỳ hạn phát hành bình quân 5,2 năm. Tiếp theo là bất động sản chiếm hơn 30% và ngành dịch vụ chiếm hơn 10%.

Đáng chú ý là tổng giá trị đăng ký và phát hành của TPDN đều giảm mạnh trong tháng 9 so với tháng 8. Sự sụt giảm về hoạt động phát hành trái phiếu được dự báo từ trước với Nghị định 81 có hiệu lực từ đầu tháng 9.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


NHNN   Nghị định   doanh nghiệp   dịch vụ   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...