19/10/2022 15:15  
Nhằm kết nối cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm khả năng kinh doanh mới để mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tổ chức Hội nghị “Doanh nhân kiều bào đồng hành cùng doanh nghiệp thành phố - Kết nối để vươn xa” vào ngày 18/10, nhân kỷ niệm 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2022).

Nguồn lực kiều bào rất lớn

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đức Hiển - Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cho rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung, doanh nhân kiều bào nói riêng luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kinh doanh thành công và đóng góp cho quê hương, đất nước.

“Đặc biệt, trong hai năm dịch bệnh vừa qua, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào không chỉ đảm bảo sản xuất kinh doanh mà còn có đóng góp thiết thực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế của thành phố”, ông Hiển nhấn mạnh và cho biết thêm, thông qua hội nghị sẽ góp phần tìm ra giải pháp hữu hiệu cho sự kết nối các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển, vươn xa… Trong đó, tập trung vào hoạt động kết nối khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, hội đoàn doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cùng doanh nghiệp thành phố và doanh nghiệp tiêu biểu người Việt Nam ở nước ngoài đang hợp tác, đầu tư, kinh doanh trên địa bàn TP.HCM đã chia sẻ giải pháp phát huy vai trò doanh nhân kiều bào, những việc làm cụ thể trong đồng hành cùng doanh nghiệp thành phố để xây dựng, phát triển TP.HCM.

Đại diện Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, ông Lê Hoàng Thế - Phó Chủ tịch hiệp hội cho biết, hiện nay, có khoảng hơn 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển (khoảng hơn 2 triệu kiều bào có xuất thân hoặc có liên hệ với TP.HCM). Đặc biệt, có khoảng 600.000 doanh nhân, trí thức, chuyên gia có trình độ cao (chiếm 10-12% trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài).

“Trung bình, mỗi năm kiều hối về Việt Nam khoảng hơn 10 tỷ USD, trong đó gửi về TP.HCM chiếm khoảng 50%. Đây là nguồn vốn rất lớn phục vụ tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và TP.HCM”, ông Thế chia sẻ và cho rằng, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Theo ông Thế, người Việt Nam ở nước ngoài luôn tích cực tham gia “hiến kế” cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo TP.HCM nhiều vấn đề quan trọng như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…

“Hàng trăm nghìn doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối với doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương trong nước, tích cực liên kết, thúc đẩy xuất nhập khẩu, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" theo Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Thế nói thêm.

Các chương trình xúc tiến thương mại do Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài liên tục tổ chức tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Ba Lan, Việt Nam… đã và đang kết nối cơ hội đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp ở các nước, vừa giúp doanh nghiệp các nước đến hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, vừa giúp doanh nghiệp và thương hiệu Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.

Ông Steve Bùi - Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C, Việt kiều Nhật Bản, cố vấn cấp cao Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia (Vinen), Chủ tịch Quỹ Steven Bùi và những người bạn, cho rằng cộng đồng người Việt Nam tại các nước luôn có tình cảm, sự trân trọng với sản phẩm của Việt Nam, sẵn sàng tham gia giới thiệu, quảng bá, đưa hàng hóa Việt đến thị trường quốc tế.

“Các doanh nhân kiều bào là những đại sứ có vai trò quan trọng trong quảng bá giá trị văn hóa và sản phẩm hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài”, ông Steve Bùi nói và cho rằng, cơ quan chức năng của thành phố cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài chứ không nên chỉ tập trung triển khai tại thành phố.

Kết nối để vươn xa

Tại hội nghị, các doanh nhân kiều bào và doanh nghiệp thành phố đã có những trao đổi, chia sẻ những sản phẩm, những mô hình kinh doanh của đơn vị mình nhằm tìm ra giải pháp, hỗ trợ đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Hiện TP.HCM có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45.000 tỷ đồng, thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu, trực tiếp tham gia các đề án, chương trình hợp tác, đầu tư hoặc vận động cộng đồng, vận động và làm cầu nối các hợp tác quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển thành phố.

Tại hội nghị, các doanh nhân Việt kiều như ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Tập đoàn 365 Group, Chủ tịch Câu lạc bộ Kết nối doanh nhân Việt Nam và quốc tế; ông Steve Bùi; ông Henry Bùi Xuân Hoàng Kiều (Việt kiều Hoa Kỳ)… đã chia sẻ các giải pháp phát huy vai trò doanh nhân kiều bào đồng hành cùng doanh nghiệp thành phố trong xây dựng và phát triển TP.HCM.

Bên cạnh đó, các đại biểu doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào cũng chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh, xuất khẩu sau dịch Covid-19 khi thành phố trở lại bình thường mới. Trong đó, có những khó khăn về vốn và đầu ra cho sản phẩm, do đó cần tìm kiếm giải pháp hỗ trợ, kết nối tháo gỡ nhằm phát triển các kênh phân phối hàng hóa của Việt Nam ở nước ngoài.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt, doanh nghiệp bà là đơn vị sản xuất bột rau sấy, hiện tại đã xuất khẩu sang được Châu Âu. “Tuy nhiên số lượng xuất khẩu hạn chế bằng hình thức xách tay”, bà Hương nói và cho biết, thông qua hội nghị này mong muốn được các doanh nghiệp kiều bào hỗ trợ, đưa sản phẩm rau Việt Nam ra thị trường thế giới bằng con đường chính ngạch.

Bà Hương cũng cho biết thêm, hiện nay sản lượng rau tại Việt Nam là rất lớn, đa số là rau ăn lá. Tuy nhiên rau ăn lá khi xuất khẩu trực tiếp sẽ hạn chế về công tác bảo quản, do đó bột rau sấy là một giải pháp cho người nông dân.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra

Để thu hút đầu tư của doanh nghiệp kiều bào đồng hành hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp trong nước về phát triển kinh tế đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng, theo các doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới, thực sự làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” trong quá trình xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch.

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi, ban hành Luật Quốc tịch, Luật đất đai… cho phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân nói chung và kiều bào nói riêng, nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho doanh nhân, kiều bào đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó, cải thiện môi trường đầu tư; chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn về giải quyết về thủ tục đầu tư. Đồng thời, tăng cường đưa thông tin chính thống về pháp luật, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như hỗ trợ doanh nhân kiều bào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh.

Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các hoạt động diễn đàn, xúc tiến đầu tư hướng tới việc hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, thương mại hoặc tiếp nhận thông tin, hợp tác thực hiện dự án đã có; tạo lập môi trường trao đổi, cung cấp thông tin, tương tác, đàm phán, thỏa thuận hợp tác; tổ chức sự kiện; góp phần định hướng và xác định mô hình, dự án đầu tư; phát hiện và xử lý vướng mắc; thu hút vốn đầu tư vào những dự án chính thống, dự án tốt và hiệu quả…

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Nhật Bản   Tập đoàn   Việt Nam   chuyên gia   diễn đàn   doanh nghiệp   hợp tác   sáng tạo   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...