07/02/2022 20:57  
Năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh đến việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation) và liên kết giữa các tập đoàn, tổng công ty với đội ngũ những người khởi nghiệp. Để hiểu rõ vấn đề này, Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với chuyên gia Trương Lý Hoàng Phi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC).

* Bà đánh giá thế nào về hướng đi này?

- Doanh nghiệp (DN) lớn thường có bộ phận R&D  nhằm phục vụ mục tiêu nghiên cứu sản phẩm mới, công nghệ mới, tìm kiếm mô hình, cơ hội kinh doanh mới. Tuy nhiên, mô hình này cũng bộc lộ vài hạn chế như khối lượng kiến thức nội bộ khó toàn diện, đặc biệt là trong các ngành mà công nghệ phát triển nhanh hoặc đang cấp thiết phải thay đổi và không phải tất cả nghiên cứu phát triển đó đều theo kịp nhu cầu của thị trường.

Do vậy, đó là một sự đầu tư chưa mang lại hiệu quả mà nhiều khi DN không đo lường đủ và đúng. Điều nữa là bản chất đổi mới hay sáng tạo chỉ dựa trên quy trình, con người cũ thì rất khó tạo ra sự đột phá. Đổi mới sáng tạo phải mở rộng được không gian cho các ý tưởng mới và nguồn lực nội bộ có thể giao thoa để tạo nên những sáng kiến đột phá, có độ tương thích cao với thị trường và nguồn lực DN. Do đó, ngoài việc khắc phục được những hạn chế của mô hình R&D truyền thống, về mặt giá trị kinh tế, mô hình Open Innovation giúp DN theo kịp tốc độ phát triển của thị trường, tiến tới việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới nhanh hơn, thu hút nhân tài, tối ưu giá trị các khoản đầu tư.

So với mô hình truyền thống, tỷ lệ thành công trong R&D mở của một số DN đã tăng gấp đôi, tốc độ đổi mới nhanh gấp ba, năng suất làm việc tăng 40-60%. Mô hình Open Innovation rất đáng được quan tâm và phổ biến, sẽ là cơ hội tốt cho những DN thực thi các chiến lược cạnh tranh trong giai đoạn mới.

* Thưa bà, liệu có phải DN Việt Nam vẫn còn dè dặt với đổi mới sáng tạo nói chung và đổi mới sáng tạo mở nói riêng?

- Có một câu hỏi cốt yếu cho DN: "Đổi mới sáng tạo mở là cuộc chơi của tầm nhìn hay của tiền, tiền nhiều có khiến cho DN này đổi mới thành công hơn DN khác?". Theo tôi, không tách rời khỏi tầm nhìn và tiền, nhưng quan trọng hơn, DN muốn thực hiện Open Innovation dù thông qua mô hình nào cũng cần tầm nhìn tốt, đội ngũ lãnh đạo quyết tâm và đương nhiên cần hơn hết đội ngũ biết cách thức đi đến đích với một khoản đầu tư tối ưu. Vì vậy, khi chưa tìm được đối tác đồng hành hiểu rõ về đổi mới sáng tạo và cả những đặc thù của ngành, lĩnh vực hay chưa xác định rõ tầm nhìn cho việc thực thi, DN cần xem xét thận trọng.

* Vậy đâu là những điểm nổi bật của thị trường startup Việt Nam trong năm 2021?

- Việc thu hút nguồn vốn lớn và cả sự xuất hiện các "kỳ lân" mới của Việt Nam là điểm nổi bật của thị trường khởi nghiệp Việt Nam trong năm qua. Những cái tên như MoMo, VNLife (công ty sở hữu VNPay), Sky Mavis, Tiki... phần nào đó "thắp sáng" những vùng trời ảm đạm do Covid-19 tạo nên. Cùng đó, làn sóng "bắt trend" của startup Việt Nam, đặc biệt là với công nghệ blockchain trong game, NFT, crypto... Hệ sinh thái hỗ trợ cho các công ty trong xu hướng này cũng hình thành là sự khởi động tốt. Tất nhiên, không phải là màu hồng hoàn toàn. Tôi biết một tỷ lệ không nhỏ startup phải "ra đi" trong hai năm đại dịch vừa qua nhưng đó là quy luật và thị trường startup cũng đang trải qua quy luật khắc nghiệt đó.

* Bà đánh giá mức độ trưởng thành của startup và hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam ra sao? Và đâu là những điểm cần cải thiện?

- Dù không phải là tất cả, nhưng việc thu hút nguồn vốn đầu tư của các startup trong năm vừa rồi đã nói lên phần nào đó về chất lượng của thị trường startup Việt Nam. Mặt khác, startup Việt đã quen với những "sân chơi" lớn hơn, nhanh nhẹn và nhạy bén hơn với tín hiệu và sự thay đổi thị trường. Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam cũng đã có nhiều chất kết dính hơn, thu hút nhiều nguồn lực hỗ trợ hơn và nhờ đó tạo nên nền tảng tốt hơn để hỗ trợ cho đà tăng trưởng của các công ty startup. Theo tôi, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị bước vào một ngã rẽ mới, một giai đoạn mới.

* Bà dự đoán gì về thị trường startup năm 2022?

- Lạc quan mà nói, đà tăng trưởng và thu hút nguồn vốn đầu tư của thị trường startup Việt Nam vẫn tiếp tục trong năm 2022. Tuy nhiên, sự phân hóa và sàng lọc startup vẫn diễn ra khắc nghiệt, do vậy startup nên có sự tập trung cho các giá trị cốt lõi và nội lực. Tôi dự đoán những lĩnh vực có nhiều lợi thế sẽ là công nghệ ứng dụng trong dịch vụ tài chính, giáo dục, y tế, bất động sản, bán lẻ... Tự động hóa, robotic, ứng dụng AI cũng có khá nhiều cơ hội. Công nghệ blockchain trong game sẽ vẫn tiếp tục nhận được sự chú ý đặc biệt.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   Công nghệ   Doanh Nhân   Innova   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   doanh nghiệp   dịch vụ   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...