15/04/2021 0:25  
Do chưa được nhà nước giao vốn bảo trì hạ tầng, ngành đường sắt thiếu kinh phí hoạt động và nợ lương hơn 11.300 lao động.

Ngày 14/4, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, đơn vị đã có kiến nghị khẩn đến Thủ tướng về những vướng mắc liên quan đến kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Năm 2021, VNR dự kiến được nhà nước giao 2.800 tỷ đồng để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động. Tuy nhiên, 4 tháng qua, đơn vị này vẫn chưa được giao vốn. Các doanh nghiệp đường sắt phải nợ lương công nhân và chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì. Người lao động chỉ được tạm ứng một phần lương để duy trì cuộc sống.

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR, việc nợ lương ảnh hưởng đến người lao động và nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì họ vốn là những người thu nhập thấp.

"Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021", ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR. cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên VNR kêu cứu vì thiếu vốn duy tu. Đầu năm 2020, doanh nghiệp này đã không được Bộ Giao thông Vận tải giao dự toán ngân sách, nên không có tiền chi trả cho các đơn vị quản lý hạ tầng và nợ lương công nhân trong nhiều tháng. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là VNR đã chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, không còn trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải nên Bộ không tiếp tục giao vốn cho đơn vị ngoài ngành.

Sau đó, phương án tháo gỡ tạm thời là Cục Đường sắt (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) đã ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp thuộc VNR để giao vốn duy tu sửa chữa. Tuy nhiên, đến năm 2021, phương án giao vốn như thế nào vẫn chưa được tháo gỡ.

Lãnh đạo VNR kiến nghị Chính phủ giao thẳng vốn cho tổng công ty như các năm trước đây để doanh nghiệp điều hành tập trung, tránh cấp trung gian.

Theo đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, Cục Đường sắt được giao vốn bảo trì sau đó mới giao về VNR, vì vậy, VNR cho rằng "quy trình sẽ tạo ra cấp trung gian quản lý với nhiều thủ tục hành chính".

Hiện ngành đường sắt có hơn 11.000 lao động trong khối hạ tầng, đảm bảo tuần đường gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.143 km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước. Tất cả số lao động này được trả lương từ ngân sách nhà nước, thông qua Tổng công ty đường sắt Việt Nam.

Theo định kỳ đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải giao dự toán ngân sách bảo trì đường sắt cho VNR để chi trả cho các đơn vị hạ tầng; đến cuối năm sẽ quyết toán. Năm 2019, ngân sách đã chi trả khoảng 2.500 tỷ đồng cho nhân lực bảo trì đường sắt. Năm 2020 là 2.800 tỷ đồng.

Đoàn Loan

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Lãnh đạo   Việt Nam   doanh nghiệp   kiến nghị   Đường sắt  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...