01/10/2020 15:20  
Theo thông tin mới nhất PV Dân trí nắm được, danh sách cổ đông sáng lập Công ty CP Nước mặt sông Đuống đã có sự thay đổi. Cái tên Aquaone không còn xuất hiện trong danh sách cổ đông sáng lập.

Công ty CP Nước mặt Sông Đuống là chủ đầu tư dự án nhà máy nước mặt sông Đuống có quy mô 65ha. Vốn điều lệ gần 1.000 tỷ đồng.

Dự kiến nhà máy này cấp nguồn nước sạch cho khoảng 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân tại 168 xã phường). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 5.000 tỷ đồng.

Nắm quyền kiểm soát CTCP Nước mặt Sông Đuống là Tập đoàn Aquaone - Chủ tịch là bà Đỗ Thị Kim Liên (hay còn gọi là Shark Liên).

Đây là một trong những công ty tư nhân lớn ở Việt Nam với hàng loạt vụ nhà máy nước nghìn tỷ đồng như: Nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hoà Bình, nhà máy mặt nước sông Hậu và nhà máy mặt nước sông Đuống.

Theo giới thiệu trên website của Aquaone, danh sách cổ đông sáng lập Công ty CP nước mặt Sông Đuống bao gồm 4 thành viên.

Trong đó Công ty CP nước Aquaone có sở hữu lớn nhất với 58%, tiếp đến Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman (27%); còn lại Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%); Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) (5%).

Trong khi đó, theo thông tin mới nhất PV Dân trí nắm được, danh sách cổ đông sáng lập Công ty CP Nước mặt sông Đuống đã có sự thay đổi.

Theo đó, một cái tên mới xuất hiện là Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank Capital) với số tỷ lệ sở hữu lớn nhất là 58% thay cho cái tên Aquaone.

Trong khi đó, VIAC Limited Partnership với số cổ phần nắm giữ chiếm 27% - thay cho Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman trước đó nắm giữ.

Còn lại Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội vẫn tiếp tục nắm giữ 10%; Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) là 5%.

Theo quy định hiện hành, trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong khi đó, Công ty CP Nước mặt sông Đuống được thành lập ngày 8/6/2016.

Còn nhớ, tại thời điểm khi dư luận xôn xao về câu chuyện giá nước phi lý tại nhà máy nước sông Đuống, Công ty CP Nước mặt sông Đuống cũng có biến động nhân sự. Theo đó, Shark Liên không còn đảm nhận chức Tổng giám đốc/Người đại diện pháp luật của công ty này.

Người thay thế Shark Liên đảm nhiệm làm vị trí Tổng giám đốc/Người đại diện pháp luật của Công ty CP Nước mặt sông Đuống là ông Tạ Đức Hoàng.

Trước đó khi trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm, đề cập đến nhà máy nước mặt sông Đuống, Chủ tịch Hà Nội thời điểm đó là ông Nguyễn Đức Chung thông tin có 4 nhà đầu tư rót vốn xây dựng nhà máy, gồm một quỹ đầu tư của Oman, doanh nghiệp Aquaone, Nhà máy nước sạch số 2 (10%) và 5% của một đơn vị khác.

Ông Chung cho biết sau đó quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan (thương vụ này có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng - PV). Theo ông Chung, chuyện các quỹ đầu tư mua bán phần vốn của doanh nghiệp tại dự án, công trình là bình thường, nên khuyến khích.

Liên quan đến nhà máy nước sông Đuống, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã gửi công văn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cung cấp tài liệu về việc xây dựng dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, trước ngày 30/9.

Ngoài ra, C03 cũng đề nghị Hà Nội cung cấp hồ sơ liên quan quá trình điều chỉnh quy hoạch cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn từ 2013 đến nay.

Đây là thông tin mới nhất liên quan đến Nhà máy này. Trước đó, đã có không ít những “lùm xùm” liên quan đến dự án này khiến dư luận dậy sóng như việc giá nước sạch tối đa mà lãnh đạo TP.Hà Nội giai đoạn 2016 - 2019 tạm tính cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống gấp tới hơn 200% giá bán thực tế cho một số nhà máy nước khác.

Nguyễn Mạnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


doanh nghiệp   lãnh đạo   Công an   Hà Nội   Ngân hàng   Tập đoàn   Việt Nam   doanh nghiệp   giá trị   hành vi   lãnh đạo   lãnh đạo   quy hoạch   Đầu tư   Đầu tư   đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...