09/04/2021 6:05  
nhiều địa phương đã ghi nhận một số trường hợp tự tử mà nạn nhân là những người trẻ, thậm chí nhiều trường hợp là học sinh.

Nhiều vụ tự tử liên quan đến học sinh

Mới đây nhất, ngày 29.3, em T.V.H, nam sinh lớp 10 chuyên toán của một trường THPT chuyên ở Bắc Kạn được các bạn cùng ký túc xá phát hiện trong tư thế thắt cổ trong phòng. Nhà trường đưa H. đi cấp cứu nhưng em đã tử vong. Theo thông tin từ nhà trường, buổi sáng H. vẫn đi học và không có biểu hiện bất thường, nhưng đến tiết học cuối giờ sáng thì em H. xin nghỉ học tiết này, rồi về ký túc xá trong trường học.
Trước đó, ngày 9.3, một nữ sinh bất ngờ rơi từ tầng cao của chung cư CT2A, thuộc P.Mỹ Đình 2 (Q.Từ Liêm, Hà Nội). Sau khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện một vỉ thuốc ngủ đã sử dụng trong phòng nữ sinh này. Bước đầu, thông tin từ phía gia đình cho hay nạn nhân có dấu hiệu trầm cảm.
Nguyên nhân của một số vụ tự tử đã được chính nạn nhân đưa ra trong thư tuyệt mệnh. Trước đó, ngày 30.1, nam sinh N.V.Q (17 tuổi, trú xã Bình Yên, H.Thạch Thất, Hà Nội), học sinh lớp 12 của một trường THPT trên địa bàn H.Thạch Thất, đến nhà bạn gái học cùng trường, ở xã Tân Xã (H.Thạch Thất). Vừa dựng xe ở sân nhà bạn gái, nam sinh Q. bất ngờ rút dao mang theo cắt cổ rồi chạy ra đường thì gục ngã và tử vong ngay sau đó. Quá trình khám nghiệm, lực lượng chức năng phát hiện một lá thư của Q. với nội dung cho rằng vì bị bạn gái từ chối tình cảm nên muốn tự tử.
Cũng trong cuối tháng 1.2021, một nữ sinh 13 tuổi ở Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu sau khi uống 2 gói thuốc trừ sâu tự mua. Rất may gia đình đã phát hiện, nhanh chóng đưa em đến bệnh viện. Trước đó, trên lớp, nữ sinh thường bị trêu chọc nên xấu hổ, học lực giảm sút. Mỗi khi không làm được bài hoặc bị điểm kém, em càng bị cả lớp trêu chọc, dần dần căng thẳng, tự ti, lo lắng, thấy không có ai hiểu và giúp đỡ, không muốn giao tiếp với ai, kể cả cha mẹ và anh chị em, và muốn được “giải thoát”.

Áp lực xã hội ngày càng tăng

TS-BS Vũ Thy Cầm, Trưởng khoa Điều trị tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), khuyến cáo hiện đang vào mùa thi, áp lực học tập là một trong những căn nguyên tâm lý dẫn đến các bạn trẻ có các vấn đề sức khỏe tâm thần, với các biểu hiện có thể gặp như: buồn, lo âu, bất an; dễ cáu gắt, không tập trung chú ý, học tập kém hiệu quả, hay quên; cơn ngất, co giật chức năng, khó thở, đau ngực… Về thể chất thì mệt mỏi, gầy sút; khó ngủ, ăn kém, tim đập nhanh; chậm chạp hơn, cố ý cô lập bản thân, cách ly xã hội.
Để giải tỏa tâm lý cho con em mình, bác sĩ (BS) Cầm cho rằng, các bậc cha mẹ cần xây dựng lịch, thời khóa biểu học tập, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, rèn luyện thể lực bằng chơi thể thao, chứ không nên giải trí bằng trò chơi trên các thiết bị điện tử. Đặc biệt, cha mẹ luôn gần gũi trẻ, biết lắng nghe trẻ, nhận thấy những thay đổi cảm xúc ở trẻ, sớm cho trẻ đi khám tại chuyên khoa tâm thần để được tư vấn lựa chọn điều trị thích hợp bằng liệu pháp tâm lý hay thuốc để tránh các rối loạn liên quan stress ở trẻ.
Còn theo BS Nguyễn Khắc Dũng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), mỗi năm trên thế giới số người tử vong do tự sát khoảng 1 triệu người. Con số tự sát nhưng không thành công khoảng 10 - 20 triệu người. Tự sát đang là nguyên nhân đứng thứ 13 gây tử vong trên toàn thế giới. Trong nhóm người trẻ tuổi (vị thành niên và nhóm tuổi dưới 35), tự sát là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tự sát là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người trẻ tuổi, xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông.
BS Nguyễn Khắc Dũng cho hay, trong xã hội hiện đại, việc gặp căng thẳng trong các mối quan hệ và trong cuộc sống là không tránh khỏi. Điều này giải thích lý do tỷ lệ các vụ tự sát ở các TP lớn ngày càng tăng. “Các nguyên nhân như mất mát người thân, thua lỗ trong làm ăn, phá sản, thay đổi môi trường học tập, làm việc; mâu thuẫn trong các mối quan hệ vợ chồng, gia đình, thầy trò, đồng nghiệp, những người xung quanh; quan hệ tình yêu… thường là lý do làm cho một người nào đó nghĩ tới tự tử. Bên cạnh đó, trẻ em, người vị thành niên và người trẻ tuổi do kinh nghiệm sống chưa nhiều, chưa đủ kinh nghiệm giải quyết các căng thẳng, và một số trường hợp có kết hợp với nghiện chất, nghiện hành vi (game, cờ bạc), nên càng làm tăng nguy cơ tự sát”, BS Dũng lý giải.
Nhìn nhận dưới góc độ xã hội học, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam, cho rằng áp lực xã hội đang tăng trong thời gian qua, cộng với những sai lệch trong chuẩn mực sống là các yếu tố xã hội làm tăng nguy cơ tự tử. PGS Trịnh Hòa Bình chia sẻ: “Trong thực tế đã có những trường hợp bị sang chấn tâm lý, rối loạn cảm xúc, thậm chí là tự tử do chịu áp lực nặng nề của xã hội trong vấn đề mưu sinh, kiếm sống, tăng trưởng…”. (còn tiếp)

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bệnh viện   Hà Nội   Việt Nam   Xã hội   căng thẳng   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...