22/10/2020 16:15  

Báo lãi 9 tháng vượt kỳ vọng

Khởi đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh trong quí 3, nhiều ngân hàng báo lãi tăng đáng kể bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lên nền kinh tế vẫn tiếp tục căng thẳng.

Theo đó, ngân hàng MSB mới đây công bố lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.666 tỉ đồng, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này giúp ngân hàng vượt gần 116% kế hoạch lợi nhuận trong năm nay.

Tương tự là trường hợp vượt kế hoạch của ngân hàng LienVietPostBank, ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm đạt 1.741 tỉ đồng.

Ở nhóm tiếp theo cũng có nhiều ngân hàng gần như đạt kế hoạch trong năm nay. Chẳng hạn như Ngân hàng VIB cũng đạt gần 90% kế hoạch năm với con số lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỉ đồng (ở mức tương đương với cả năm 2019).

Một trường hợp khác là VPBank với lợi nhuận trước thuế đạt 92% kế hoạch, tương đương gần 9.400 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỉ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất.

Trường hợp Sacombank dù lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 6,6% so với cùng kỳ, đạt 2.325 tỉ đồng, tuy nhiên vẫn hoàn thành trên 90% kế hoạch đặt ra trong năm nay.

Nhiều ngân hàng khác thì vẫn bám sát kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong năm nay. Như trường hợp của SeABank, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 1.311 tỉ đồng, tăng đến 65,8%, đạt hơn 75% kế hoạch đặt ra. Hay TPBank cũng hoàn thành hơn 74% kế hoạch với lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 3.023 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Nhưng không phải ngân hàng nào cũng hạch toán lãi lớn trong quí 3 nói riêng và 9 tháng đầu năm nói chung.  Chẳng hạn như trường hợp “ông lớn” Vietcombank, kết quả kinh doanh trong quí 3 có phần giảm sút so với cùng kỳ.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 15.965 tỉ đồng, giảm gần 9,4% so với cùng kỳ. Ngân hàng cũng ghi nhận khoản thu nhập giảm ở hầu hết các hoạt động cho vay, dịch vụ và nhiều hoạt động kinh doanh khác.

Kế hoạch lợi nhuận được các ngân hàng xem xét trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến căng thẳng vào hồi tháng 4 và tháng 5. Khi đó nhiều lãnh đạo ngân hàng tỏ ra rất thận trọng với tác động của Covid-19 về mặt trung và dài hạn hơn là ngắn hạn. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã hạ chỉ tiêu lợi nhuận (thấp hơn năm 2019), thậm chí một số ngân hàng còn không đưa ra con số mục tiêu cụ thể.

Theo Fiingroup, lợi nhuận trong năm nay của các ngân hàng dự kiến tăng trưởng khoảng 4,9%, được hỗ trợ bởi những thay đổi trong chính sách hạch toán nợ và trích lập dự phòng rủi ro và thu nhập phi tín dụng như đầu tư chứng khoán. “Kế hoạch này khá thận trọng nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế là 12,9% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm”, báo cáo của FiinGroup nhận định.

Thống kê trước đó của Fiingroup cho thấy lợi nhuận sau thuế của 19 ngân hàng niêm yết trong quí 2 tăng đến hơn 16% so với quí trước và 22,5% so với cùng kỳ. Còn thống kê của Vietstock, tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng đạt 33.286 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.

Thu nhập vẫn tăng trưởng tốt

Theo lý giải của các ngân hàng, các lý do chính giúp lợi nhuận tiếp tục tăng trong 9 tháng đầu năm là nhờ cắt giảm chi phí dự phòng, kết thúc trích lập trái phiếu VAMC, giảm chi phí hoạt động và triển khai được nhiều sản phẩm mới đa dạng hóa hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

Theo đó, một điểm chung đáng chú ý là hoạt động tín dụng ở nhiều nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Chẳng hạn như MSB, tổng cho vay khách hàng tăng gần 27% so với cùng kỳ và gần 15,5% so với cuối năm 2019.

Tương tự, đại diện VPBank cho biết mức tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 16,5%, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt 19,34%. Còn đại diện VIB cho biết doanh thu bán lẻ trong 9 tháng đầu năm tăng 41% so với cùng kỳ, với hai sản phẩm chủ lực chiếm 80% danh mục tín dụng bán lẻ là mua nhà và mua ô tô.

Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán SSI đánh giá mảng cho vay bán lẻ của Ngân hàng ACB đang phục hồi với mức tăng trưởng 10,8% so với đầu năm và 9,6% trong quí 3 so với quí 2, chủ yếu đến từ các khoản vay kinh doanh cá nhân ngắn hạn ở ngân hàng mẹ.

Cùng với đó là số dư trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng lên, giúp cải thiện  lợi nhuận của ACB. “Nhìn chung lợi suất bình quân quân của tài sản sinh lãi tăng 20 điểm cơ bản so với quí trước, lên mức 8,14%", báo cáo của SSI nhận định.

Chất lượng tài sản cũng là một nhân tố quan trọng đến lợi nhuận của ngân hàng trong kỳ này, dưới sự hỗ trợ tái cấu trúc nợ vì Covid-19 của Thông tư 01 được ban hành vào đầu năm nay.

Cho tới nay, chi phí dự phòng tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của các nhà băng và hạch toán tùy vào từng ngân hàng trường hợp cụ thể.

Một số ngân hàng tăng lợi nhuận nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng trong quí 3. Chẳng hạn như SeABank, chi phí dự phòng trong 9 tháng đầu năm giảm 18% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận tăng đến 65,8%. Ngược lại cũng có những ngân hàng tăng trích lập dự phòng như Sacombank khiến lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, dù tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vẫn tăng lên.

Do đó, con số cụ thể sẽ khác nhau đáng kể ở từng ngân hàng, vì phụ thuộc vào chính sách hạch toán nợ và trích lập dự phòng rủi ro và thu nhập phi tín dụng như đầu tư chứng khoán.

Về tổng thể, nợ xấu vẫn đang tiềm ẩn trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Một số báo cáo nhận định thời gian tái cơ cấu nợ xấu có thể kéo dài đến hết nửa đầu năm 2021. Do đó, các ngân hàng không chỉ đối diện với năm 2020 mà cả 2021 nhiều khó khăn khi nợ xấu tăng dần.

Về chất lượng tài sản của hệ thống, tỷ lệ nợ xấu của 17 ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng tăng từ mức 1,44% vào thời điểm cuối năm ngoái, lên 1,71% vào cuối quí 2 vừa qua, theo báo cáo của FiinGroup.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   MC   căng thẳng   doanh nghiệp   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...