02/10/2020 20:20  
"Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm tiêu chí cho vay theo hướng: Doanh nghiệp gặp khó do Covid-19 và bị giảm 20 % nguồn thu so với quý 4/2019 và quý liền kề sẽ được vay từ gói 16.000 tỷ đồng để trả lương...".

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề xuất tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, hôm 2/10, tại Hà Nội.

Giảm tiêu chí cho doanh nghiệp vay

Trước đó, liên quan tới việc sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH tiếp thu ý kiến các ngành và lấy ý kiến các thành viên. Kết quả cho thấy 100 % thành viên Chính phủ đã thống nhất với nội dung sửa Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã tổ chức họp lại với các ngành và có thông báo kết luận. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng và các Bộ rà soát lại với nhau để trình chính thức.

Về những điểm chính cần sửa đổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Bổ sung các đối tượng là giáo viên mầm non, các trường tư thục mất việc làm và điều chỉnh việc cho doanh nghiệp được vay từ gói 16.000 đồng để trả lương cho người lao động. Đây là vấn đề khó khăn nhất hiện nay”.

Theo Bộ trưởng, quy định trước đây đặt ra là doanh nghiệp gặp khó do Covid-19 và không còn nguồn thu để trả lương. Quy định này khá chặt chẽ và đôi khi khó thực hiện được.

Trong đợt này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất giảm tiêu chí cho vay theo hướng: Doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 và bị giảm 20 % nguồn thu so với quý 4/2019 và quý liền kề thì được vay từ gói 16.000 tỷ đồng.

Đồng thời, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất thay đổi đại diện xác nhận việc cho vay.

Theo đó, doanh nghiệp có nhu cầu vay thì người đứng đầu doanh nghiệp sẽ xác nhận và chịu trách nhiệm. Trước đây, quy định cần có thêm đại diện UBND tỉnh hoặc UBND huyện xác nhận.

Liên quan tới yếu tố rủi ro, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng tình với nỗi lo của ngân hàng. “Những băn khoăn về tỷ lệ rủi ro là có cơ sở. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta phải chấp nhận cả rủi ro. Bên cạnh đó, quy định này cũng đã được Bộ Tài chính thống nhất”.

Giảm "sàn" quy định, tăng đối tượng hưởng

Về việc tạm hoãn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Tới nay, 926 doanh nghiệp đang sử dụng 74.980 người lao động đã được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định hiện hành”.

Theo Bộ trưởng, việc tạm dừng đóng một phần bảo hiểm xã hội như trên là rất cần thiết.

Bày tỏ quan điểm về tiêu chí dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: “Luật Bảo hiểm xã hội chỉ quy định được thời gian tạm dừng đóng tối đa 12 tháng. Còn tiêu chí doanh nghiệp gặp khó phải giảm bao nhiêu là do Chính phủ quy định”.

Theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP, việc dừng đóng vào quỹ BHXH với 2 tiêu chí: Doanh nghiệp phải có 50% người lao động đang tham gia BHXH ngừng hoặc nghỉ việc, doanh nghiệp có nguồn thu giảm 50%.

Bộ trưởng đề nghị việc nghiên cứu giảm các tiêu chí trên xuống mức 20%.

"Mức giảm theo đề xuất mới giúp khoảng 70% số doanh nghiệp đủ điều kiện vay và giả định có khoảng từ 30-50 % số doanh nghiệp tạm dừng đóng BHXH, tương ứng với khoảng 120.000 - 200.000 doanh nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với tương ứng với khoảng từ 3,2 - 5,4 triệu lao động được tạm dừng đóng BHXH..." - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết..

Hoàng Mạnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Hà Nội   Nghị định   Ngân hàng   Thủ tướng   Tài chính   doanh nghiệp   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...