16/12/2021 8:10  
Sau sự việc thanh niên 17 tuổi nhảy cầu Nhật Tân tự tử do mâu thuẫn với gia đình, nhiều người quan ngại rằng đó là hiện tượng trào lưu hay biểu hiện của "thiếu sức đề kháng" ở giới trẻ.

Khoảng 11 giờ ngày 15/12/2021, Lê Văn T. (SN 2004, ở Cẩm Khê, Phú Thọ) đến cầu Nhật Tân, phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) rồi bất ngờ trèo ra ngoài lan can, có ý định nhảy xuống sông Hồng tự tử.

Nhờ sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và người dân vận động T. từ bỏ ý định tự tử, đưa về công an phường để làm rõ. Sau đó, lực lượng chức năng cũng liên hệ với gia đình T. để phối hợp giải quyết. Nguyên nhân T. định tự tử là do mâu thuẫn với gia đình.

Buồn chán nghĩ đến tự tử?

Nam Anh (26 tuổi, Nam Từ Liêm) đặt ra câu hỏi rằng: "Từ khi nào tự tử trở thành "trào lưu"? Bởi cứ có bất kỳ lý do áp lực hay mâu thuẫn là họ tìm đến cái chết để giải thoát".

"Cứ hễ cuộc sống áp lực chuyện cơm áo gạo tiền, thành tích học tập không tốt, buồn phiền vì mâu thuẫn gia đình hay bị ngăn cản một chuyện tình đẹp thì giới trẻ lại có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát và tìm đến cái chết. Họ xem đó như là một cách giải thoát tốt nhất cho bản thân", Nam Anh nói.

Bày tỏ quan điểm của mình về sự việc, Nam Anh cho hay: "Cha mẹ nào cũng mong muốn con được nên người, họ vất vả khổ cực chỉ mong con cái được trưởng thành. Cho nên đừng vì những lời to tiếng của cha mẹ mà tìm đến cái chết.

Suy nghĩ đến cái chết chính là ích kỷ với bản thân, gia đình và cả những người xung quanh. Chưa được nhìn con vững vàng thì con lại rời xa bằng cách đau đớn nhất chỉ vì những lời nói thì đó thật là tàn nhẫn đối với họ".

"Chính vì thế, chúng ta cần phải sống lạc quan luôn vui vẻ và hạnh phúc. Mọi khó khăn, áp lực rồi cũng sẽ qua. "Còn người là còn tất cả" hãy lấy đó làm động lực để sống có ích cho xã hội", Nam Anh nhấn mạnh.

Biểu hiện của việc "thiếu sức đề kháng"?

Nhìn nhận sự việc theo hướng khác, Trà My (22 tuổi, Hoàn Kiếm) lại cho rằng, nam thanh niên trên cùng với nhiều người trẻ đang "thiếu sức đề kháng", thiếu khả năng đối diện với những khó khăn, thử thách.

Trà My chia sẻ: "Phụ huynh ngày nay nuông chiều con cái quá mức, không có phương pháp hay cách dạy con đúng đã khiến cho con trẻ không có sự đề kháng, không biết cách để vượt qua khó khăn, hễ cứ có chuyện là lại nảy ra ý định tự tử".

Theo Trà My, mỗi người có một kháng thể chịu đựng khác nhau, được giáo dục trong một môi trường đúng đắn thì sẽ một kháng thể tốt. Những bạn trẻ đang tuổi ăn, tuổi học hay là đang phát triển thì việc bị rối loạn tâm sinh lý, rơi vào trạng thái tuyệt vọng, chán nản và tìm đến cái chết là hiển nhiên.

"Mạng sống là thứ quý giá nhất trên đời, nếu cứ sống một cuộc sống thiếu sức đề kháng như vậy thì có đáng không? Tại sao lại phải từ bỏ đi mạng sống và cả một tương lai tươi sáng đang chờ ở phía trước?", cô nàng băn khoăn.

Trà My cũng nhấn mạnh rằng: "Cuộc sống chẳng bao giờ là màu hồng và con đường chúng ta đi không bao giờ bằng phẳng. Con người phải có sự thất bại thì mới có thành công, có vấp ngã, đau khổ thì mới rút kinh nghiệm vững vàng trước những sóng gió của cuộc đời.

Việc tìm đến cái chết như một sự tự giải thoát, sự giải thoát đó chỉ mang đến sự khổ đau cho những người ở lại. Cho nên, mỗi người trẻ hãy nạp cho mình thật nhiều năng lượng sống tích cực, biết trân trọng mạng sống và đừng bao giờ biến mình thành một "Gen Z thiếu sức đề kháng".

"Bạo lực lời nói" của cha mẹ cũng đẩy con đến tự tử

Không đổ lỗi cho thanh niên 17 tuổi, Thanh Tùng (29 tuổi, Ba Đình) bày tỏ: "Chúng ta không nên chỉ trích vội hành động tự tử của T., cũng nên nhìn nhận về phía trách nhiệm của gia đình. Việc tự tử không chỉ là một hay vài lần mắng, mà nó là vô số lần đánh mắng tích tụ lại cũng đến lúc giải thoát".

"Bạo lực bằng lời nói" còn có tính sát thương cao hơn cả vũ khí hay đòn roi, cha mẹ phải là người hiểu con và vững lòng tin, sự kiên nhẫn đừng bao giờ tạo áp lực hay sắp đặt về cuộc sống lên con.

Thanh Tùng chia sẻ thêm: "Sau mỗi lần phụ huynh sai, điều con muốn chỉ là một lời xin lỗi nhưng cũng chẳng bao giờ được. Đối với phụ huynh, những câu nói đó có thể chỉ là bộc phát lúc không kiềm chế được bản thân; nhưng đối với con cái, đó chính là những mũi dao đang đâm sâu vào đáy tim".

"Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, nhưng cần yêu thương đúng cách. Chỉ cần mỗi người lùi lại một bước, cùng thấu hiểu và cảm thông thì sẽ chẳng bao giờ có sự việc đáng tiếc xảy ra. Dù thế nào, các bạn trẻ đừng bao giờ nghĩ đến cái chết….", anh chàng tâm sự.

Quan điểm của bạn về vấn đề như thế nào? Theo bạn, việc giới trẻ tự tử là trách nhiệm thuộc về ai? Hãy để lại ý kiến trong ô bình luận bên dưới.

Văn Hiền

Nguồn tin: dantri.com.vn


Cuộc sống   Hà Nội  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...