26/01/2021 8:10  
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh vai trò của các đồng minh và đối tác trong việc kiểm soát hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 25/1 khẳng định Tổng thống Joe Biden sẽ có cách tiếp cận "đa phương" trong mối quan hệ với Trung Quốc, bao gồm việc xem xét các biện pháp thuế quan đang được triển khai.

"Những gì chúng ta đã thấy trong vài năm qua là Trung Quốc ngày càng cứng rắn ở trong nước và quyết đoán ở bên ngoài. Bắc Kinh đang thách thức an ninh, thịnh vượng và các giá trị của chúng ta theo những cách đáng chú ý, đòi hỏi sự tiếp cận mới của Mỹ. Chúng tôi muốn tiếp cận vấn đề này với sự kiên nhẫn chiến lược", bà Psaki nói.

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng, Tổng thống Biden muốn đảm bảo rằng mọi bước đi do Mỹ thực hiện đều phải có sự phối hợp với "các đồng minh và đối tác", cũng như "các thành viên Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội".

"Tổng thống cam kết sẽ ngăn chặn các hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc trên nhiều mặt, và cách hiệu quả nhất để thực hiện điều đó là làm việc với các đồng minh và đối tác của chúng ta", bà Psaki cho biết thêm.

Cuộc chiến thương mại do cựu Tổng thống Donald Trump khởi động với Trung Quốc vào năm 2018 đã ngừng leo thang cách đây một năm, khi lãnh đạo hai nước ký thỏa thuận giai đoạn 1. Theo đó, Trung Quốc đã cam kết mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ theo các mục tiêu do hai nước đặt ra.

Kế hoạch của Tổng thống Biden liên quan tới các biện pháp thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ là dấu hiệu cho thấy cách chính quyền mới xử lý mối quan hệ song phương với Bắc Kinh.

Sau khi Tổng thống Biden nhậm chức, Nhà Trắng vẫn xem xét các vấn đề khác trong quan hệ Mỹ - Trung, bao gồm sắc lệnh của cựu Tổng thống Trump nhằm ngăn các nhà đầu tư của Mỹ mua bán cổ phần của 31 doanh nghiệp Trung Quốc bị Lầu Năm Góc liệt kê vào diện hỗ trợ cho quân đội Trung Quốc, trong đó có các công ty viễn thông lớn.

Sắc lệnh của ông Trump bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/1 và cho các nhà đầu tư thời hạn đến tháng 11 năm nay để thoái vốn khỏi các công ty trên.

Phát biểu trước các phóng viên Nhà Trắng, bà Psaki cho biết các cuộc thảo luận về lệnh cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc, trong đó có China Mobile và China Telecom đang được Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính xem xét cùng "nhiều vấn đề khác".

Khi được hỏi liệu Tổng thống Biden có tiếp tục áp đặt những hạn chế đối với tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei hay không, bà Psaki cho biết hoạt vi gián điệp công nghiệp và đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc vẫn là một mối lo ngại.

"Công nghệ tất nhiên vẫn là trọng tâm của cạnh tranh Mỹ - Trung. Trung Quốc sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để giành được lợi thế công nghệ, bao gồm đánh cắp tài sản trí tuệ, thực hiện gián điệp công nghiệp và cưỡng ép chuyển giao công nghệ", bà Psaki cho biết.

"Quan điểm của chúng tôi, quan điểm của tổng thống, là chúng ta cần phải phòng thủ tốt hơn, bao gồm việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành vi không công bằng và bất hợp pháp của họ, đồng thời đảm bảo rằng các công nghệ của Mỹ không tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng quân đội của Trung Quốc", Thư ký báo chí Nhà Trắng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức trực tuyến hôm 25/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô và thúc đẩy vai trò của G20 trong quản trị kinh tế toàn cầu. Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết lời kêu gọi của ông Tập không làm thay đổi cách tiếp cận chiến lược của chính quyền Biden với Trung Quốc.

Thành Đạt

Theo SCMP, Hill

Nguồn tin: dantri.com.vn


Công nghệ   Donald Trump   Huawei   Joe Biden   Kinh tế   Nhà Trắng   Trump   Trung Quốc   Tài chính   Tổng thống   chiến lược   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...