27/10/2020 7:11  

Kẹt từ trung tâm TP ra tới sân bay

9 giờ 30 ngày thứ hai, chị Vân Hà đưa gia đình từ Q.4 tới sân bay Tân Sơn Nhất để lên chuyến bay ra Hà Nội lúc 11 giờ 30. Ước tính thời gian di chuyển khoảng 30 phút, nhưng chị Hà cũng phải mất gần 40 phút mới thoát khỏi đường Pasteur dù đã cố tránh giờ cao điểm. Lượng xe đông đúc xếp hàng dài, nhích từng chút ngay từ đoạn đường Võ Văn Kiệt nối vào Pasteur cho tới khi ra tới đoạn giao Nguyễn Thị Minh Khai mới dễ thở hơn. May mắn, đoạn Nguyễn Văn Trỗi kéo dài tới Trường Sơn, cập vào sân bay hôm nay không quá ùn tắc nên gần 10 giờ 30, chị Hà cùng gia đình đã có mặt tại sân bay, kịp làm thủ tục check-in.
Kẹt xe trên đường ra sân bay đã trở thành chủ đề quá quen thuộc đối với người dân TP.HCM, nhưng ám ảnh nhất vẫn là dịp cận tết. Lượng phương tiện lưu thông trong khu vực nội đô ngày càng tăng lên, trong khi các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm chạy theo quá chậm khiến các trục đường xương sống kết nối từ trung tâm TP ra tới sân bay như đường Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng Tám... ngày càng quá tải. Đường nào cũng tắc, tắc từ trong ra tới ngoài, đường từ trung tâm TP đến cảng hàng không quốc tế tấp nập nhất Việt Nam - đầu mối trung chuyển của TP.HCM cũng như toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam - ngày càng gian nan.
Trả lời Thanh Niên, một cán bộ thuộc Cảng vụ hàng không miền Nam thừa nhận ùn tắc tại các tuyến đường kết nối tới sân bay là một trong những vấn đề nan giải nhất. Trong khoảng 2 năm trở về đây, tình trạng sân bay “căng mình” đón tết thật ra lại “căng” nhất phía ngoài, không phải bên trong nhà ga. Khắp các ngả đường kéo về khu vực này đều ùn ứ xe cộ. Lượng xe đưa/đón khách ra/vào ga tăng đột biến, ô tô có khi xếp hàng dài từ chân cầu vượt vào tới sảnh nhà ga.
“Năm nào, Cảng vụ, Sở GTVT cùng các lực lượng CSGT, thanh tra giao thông cũng phối hợp tổ chức điều tiết giao thông hợp lý, khoa học; xây dựng các phương án bố trí lực lượng xử lý các tình huống để ngăn ngừa ùn tắc và giải quyết kịp thời từ đầu khi xảy ra, song, ùn tắc năm nào cũng có. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay, lượng khách thăm thân, về quê, du lịch dịp tết này có thể sẽ tăng cao, tạo áp lực rất lớn cho sân bay từ trong ra ngoài”, vị này dự báo.

Loạt dự án trọng điểm trễ hẹn

Đầu năm 2020, tại buổi họp báo định kỳ do Sở GTVT TP.HCM tổ chức, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (BQLDA) thông tin được giao triển khai 5 dự án nhằm xóa, giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bao gồm 4 dự án mở rộng các tuyến đường: Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa, Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý và dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa.
Trong đó, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ đường Cộng Hòa cho tới cổng gác sân bay) đã chọn được nhà thầu. UBND Q.Tân Bình thông báo đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến có thể khởi công ngay trong quý 1/2020. Ngay sau đó, quý 2/2020, BQLDA sẽ triển khai dự án mở rộng đường Cộng Hòa (đoạn thắt nút cổ chai ngay cầu vượt thép vào sân bay). Dự án này cũng đã chọn được nhà thầu và đang chờ địa phương giao nốt mặt bằng sạch. Vị này khẳng định 2 dự án này chắc chắn sẽ được triển khai trong năm 2020.
Song song, hai dự án mở rộng đường Trường Chinh và đường Tân Kỳ Tân Quý đang trong giai đoạn thiết kế, dự kiến trong năm nay hoàn thành phần giải phóng mặt bằng để có thể khởi công vào năm 2021. Thế nhưng đã hết quý 3, tất cả dự án cấp bách vẫn đang giậm chân tại chỗ.
Trả lời Thanh Niên chiều qua (26.10), đại diện BQLDA cho biết dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và Cộng Hòa đã được UBND quận trình UBND TP phê duyệt đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng từ tháng 12.2019. Tuy nhiên, đầu năm 2020 lại có thay đổi đơn giá mới nên các đơn vị phải rà soát, cập nhật lại. Hiện các đơn vị đang trình lại đơn giá, dự kiến cuối năm nay mới được thông qua, đầu năm sau dự án mới có thể khởi công. Việc mở rộng đường Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý hiện cũng đang vướng phần giải phóng mặt bằng với khó khăn tương tự về phương án giá mới.
Một trong những dự án quan trọng được kỳ vọng nhất nhằm giảm tải giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa cũng đang chờ ý kiến Bộ Quốc phòng. Trước đó, UBND TP vừa có văn bản kiến nghị Bộ Quốc phòng quan tâm, sớm xem xét thống nhất bàn giao cho TP phần diện tích đất khoảng 1.122 m2 nằm ngoài ranh dự án xây dựng tuyến đường để tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn cũng như tái định cư tại chỗ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng vấn đề lớn nhất của giao thông khu vực sân bay nói riêng cũng như toàn TP nói chung là độ ì ạch. Các dự án đã được quy hoạch, rậm rịch chuẩn bị có khi hàng thập kỷ nhưng vẫn không triển khai, không chỉ làm tăng vốn mà còn giảm hiệu quả, khi hoàn thành còn không kham nổi lượng phương tiện hiện hữu, chưa nói tới quy hoạch cho tương lai.

Nguồn tin: thanhnien.vn


CSGT   HCM   Hà Nội   Việt Nam   du lịch   kiến nghị   quy hoạch   sân bay  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...