12/11/2021 12:25  
Thách thức với thầy cô tăng lên gấp bội: đảm bảo chống dịch, dạy kết hợp online và trực tiếp, đối mặt với khả năng có F0 ngay trong lớp học.

Tại Hà Nội, gần 4.000 học sinh lớp 9 huyện Ba Vì đã đi học trực tiếp. Sau một tuần, trường vẫn hoạt động ổn định trong bối cảnh thêm 9 ca nhiễm cộng đồng được phát hiện tại Ba Vì kể từ 8/11; còn Hà Nội gần đây liên tục có trên dưới 100 ca cộng đồng mỗi ngày.

Thầy Nguyễn Văn Nghiệp, Hiệu trưởng THCS Phú Châu, Ba Vì, đánh giá hai khó khăn phải giải quyết trước mắt là đảm bảo kỷ luật phòng dịch và tính toán, bố trí giáo viên dạy cả trực tiếp và trực tuyến.

Theo chương trình, tuần này là giai đoạn kiểm tra giữa kỳ I. Tuy nhiên, việc ở nhà và học trực tuyến trong nửa năm đã ảnh hưởng đến thói quen của các em, tạo sức ì lớn. Thầy Nghiệp cho rằng, cần thời gian để học sinh bắt nhịp, ổn định tâm lý và nhà trường còn phải tổ chức ôn luyện nên hoạt động kiểm tra có thể chưa triển khai ngay.

Về việc phòng dịch, ngoài yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, trường chia bốn lớp 9 học hai buổi, mỗi buổi hai lớp. Để hạn chế học sinh nô đùa cùng nhau trong giờ ra chơi, hai lớp được bố trí cách xa.

Thay vì có thể dừng lại mua đồ ăn sáng hoặc đồ dùng cần thiết, với quy định "một cung đường, hai điểm đến", học sinh bây giờ được yêu cầu ăn sáng ở nhà và đi thẳng đến trường. Lối vào chỗ gửi xe hay đường lên các lớp học, trường Phú Châu cũng bố trí dây chắn để hướng dẫn học sinh đi theo một đường duy nhất.

Vì chỉ có một khối học trực tiếp, các giáo viên phải đảm nhiệm hai hình thức dạy. Trong một buổi, nếu có cả tiết tại trường và trực tuyến, giáo viên sẽ mang laptop đến trường. Sau khi hoàn thành tiết dạy trực tiếp, họ sang phòng chờ để dạy online ngay sau đó.

Thời gian chuyển tiết chỉ có 5 phút, ban giám hiệu trường Phú Châu quyết định rút ngắn tiết học trực tuyến từ 45 xuống 40 phút, để giáo viên đủ thời gian di chuyển, chuẩn bị máy móc. Ngoài ra, để hỗ trợ các thầy cô dạy trực tuyến, thầy Nghiệp đã cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống Internet tại trường.

Đà Nẵng, gần 300 học sinh khối 12, THPT chuyên Lê Quý Đôn đi học từ 25/10. Đây là trường THPT đầu tiên ở Đà Nẵng dạy trực tiếp cho khối cuối cấp, lớp 10 và 11 vẫn học online.

Thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng THPT chuyên Lê Quý Đôn, cho biết yếu tố phòng dịch được đặt lên hàng đầu. Nhà trường thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn của ngành giáo dục và y tế. Học sinh được đo thân nhiệt ngay tại cổng, sát khuẩn tay trước khi vào lớp, đeo khẩu trang trong suốt quá trình học, nước uống tự mang theo. Các lớp học phòng cách phòng. Ngoài ra, học sinh không tập trung đông người trong giờ ra chơi.

Mở cửa trở lại khi dịch bùng phát ở nhiều địa phương, trong đó Đà Nẵng 20 ngày qua có hơn 100 ca nhiễm, nhà trường đã thường xuyên làm việc với giáo viên chủ nhiệm để nắm danh sách học sinh. Em nào trong vùng dịch cấp độ 3 và 4 (vùng cam và đỏ) thì sẽ không đến trường, tiếp tục học online ở nhà.

Hiện, chưa có học sinh nào của trường là F0. Nhà trường đã bố trí sẵn phòng cách ly. Ngoài ra, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, nằm sát trường, sẽ hỗ trợ xử lý ngay khi có trường hợp dương tính trong học sinh.

Trước đó, từ 20/10, 230 học sinh tại 5 khối 1, 2, 6, 9 và 12 của Tiểu học Thạnh An và THCS-THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ, được học trực tiếp. Đây là hai trường đầu tiên của TP HCM mở cửa. Thầy Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng THCS-THPT Thạnh An cho biết, trường yêu cầu học sinh đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trên một mét trong lớp học, hai mét ở bên ngoài. Giáo viên được bố trí ở cổng trường hàng ngày, nhắc nhở những em không thực hiện đúng quy định. Trong trường, tất cả thầy cô, nhân viên được kiêm thêm nhiệm vụ giám sát học sinh thực hiện quy định chống dịch.

"Cha mẹ cũng quan tâm đến các em trong vấn đề khẩu trang, phòng dịch nên việc này không quá khó khăn. Đeo khẩu trang ban đầu có thể gây khó chịu với vài em, nhưng sau một vài tuần đã thành thói quen, nề nếp", thầy Ngọc cho biết.

Cho học sinh trở lại trong bối cảnh vẫn có ca nhiễm trong cộng đồng, nhà trường phải đối mặt với tình huống xuất hiện F0 bất cứ lúc nào. Thực tế, sau hai tuần trở lại trực tiếp, trường THCS-THPT Thạnh An đã phát hiện một học sinh lớp 6 dương tính Covid-19 trong buổi test nhanh định kỳ.

Đã dự phòng tình huống này, trường phối hợp với địa phương khoanh vùng, truy vết nhanh, gọn. Những học sinh liên quan được xét nghiệm PCR và tự cách ly tại nhà, chuyển sang học trực tuyến. Các em đều âm tính, sức khỏe ổn định nên dự kiến sau khoảng hai tuần sẽ được trở lại trường.

Nhờ đó, những lớp còn lại vẫn học bình thường, không phải đóng cửa toàn trường sau ca nhiễm. "Cách xử lý khi phát hiện F0 trong trường học bây giờ cũng khác trước đây, khi chúng ta đã xác định chung sống an toàn với Covid-19", thầy Ngọc cho biết.

Phương pháp chỉ cách ly ca nhiễm và những người liên quan trực tiếp, không đóng cửa toàn bộ trường học cũng đang được Quảng Nam áp dụng. Trong buổi họp với Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Nam cho biết khi phát hiện hiện F0, việc xét nghiệm, sàng lọc, vệ sinh khử khuẩn được nhanh chóng triển khai để hoạt động dạy trực tiếp tại đó sớm trở lại bình thường.

Tại phiên chất vấn sáng 11/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết đã ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, định hướng để thúc đẩy đưa học sinh trở lại trường an toàn theo nghị quyết 128 của Chính phủ.

Hiện nay, các tỉnh phần lớn lấy căn cứ để quyết định đi học trở lại theo quy mô cấp huyện, nhưng lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng có thể mạnh mẽ hơn, xử lý đến quy mô xã, phường. "Các trường tiểu học, mầm non thường phù hợp với quy mô địa bàn xã phường, còn trường trung học quy mô đến cấp huyện. Do đó, nếu xã phường thuộc vùng xanh có thể đưa học sinh tới lớp mà không cần đợi cả huyện, tỉnh. Cả huyện mà vùng xanh, an toàn thì mở cửa trường trung học", ông Sơn nói.

Sáng nay, tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình, phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

Ông phát biểu: "Chính phủ xin chia sẻ những khó khăn khi cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình, thầy cô giáo, các em học sinh bị đảo lộn trong thời gian qua. Việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vaccine cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu".

Thanh Hằng - Mạnh Tùng - Nguyễn Đông

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Giáo dục   HCM   Hà Nội   Sơn Trà   Tiểu học   laptop   thói quen   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...