20/10/2020 15:15  

Theo đó có 4 chỉ tiêu đặt ra trong năm nay ước tính không đạt gồm: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính đạt tăng trưởng cả năm đạt khoảng 2 – 3% (trong khi mục tiêu khoảng 6,8%); tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,5 – 4% (mục tiêu khoảng 7%); tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị 4,39% (mục tiêu dưới 4%); tỉ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 64,5% (mục tiêu 65%).

Có một trong 12 chỉ tiêu Chính phủ ước tính vượt kế hoạch gồm: tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu xuất siêu 5,8 % (mục tiêu dưới 3%).

7/12 chỉ tiêu mà chính phủ ước đạt được gồm: tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ước thực hiện 3,5 - 3,9% (mục tiêu dưới 4%); tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so GDP 33,4% (mục tiêu 33 – 34%).

Trong đó có một số chỉ tiêu đạt đúng như con số mục tiêu đề ra gồm: mức giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước đạt 1 - 1,5%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) giường bệnh đạt 28%; tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 90,7%; tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng bình quân 6,8%/năm

Tại phiên họp sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025.

Thủ tướng cho biết: “Thời gian qua kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN).”

GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 đô la Mỹ. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng… từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 - 2020. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, tỉ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011 - 2015 là 68,7%); tỉ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27 - 28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62 - 63%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, năm 2020 đạt khoảng 535 tỉ đô la Mỹ mặc dù thương mại quốc tế giảm mạnh. Trong đó điểm sáng là xuất khẩu của khu vực trong nước tăng mạnh, 9 tháng năm 2020 tăng trên 20%; xuất siêu 5 năm liên tiếp. Thương mại điện tử phát triển mạnh, doanh số tăng 25%, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.

Vẫn còn những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu.

Việc giải ngân gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19 còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra; Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp để các chính sách hỗ trợ sớm phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn cuộc sống...

“Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt của nền kinh tế, gây thiệt hại lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế còn những bất cập; năng lực nội tại và khả năng chống chịu, thích ứng với những biến động mạnh từ bên ngoài còn hạn chế. Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn... xảy ra thường xuyên hơn, diễn biến bất thường và gây nhiều thiệt hại…,” thủ tướng nói.

Trong bối cảnh trên, Thủ tướng nhìn nhận việc xây dựng và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật có lúc, có nơi còn bất cập; một số cơ chế chính sách còn chồng chéo, chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung. Cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành và trong nội bộ cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao; còn tình trạng thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc thực thi công vụ ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm.

Mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới.

Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021; trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...

Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 đô la Mỹ; tỉ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...

Ý kiến của Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nêu trên của Chính phủ.

Ông Thanh cho hay Uỷ ban Kinh tế cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm thêm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau đây: bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật; theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế, chiến lược và chính sách của các nước đối tác của Việt Nam, các nước lớn, nhất là của Mỹ và quan hệ Mỹ - Trung; chuẩn bị các kịch bản để ứng phó các nguy cơ tranh chấp thương mại quốc tế; từng bước khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án phát triển nguồn và lưới điện, không để thiếu điện. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó cần chủ động xây dựng chính sách phù hợp để tăng sức hút dòng vốn FDI chất lượng cao đang có xu hướng dịch chuyển từ các nước khác sang Việt Nam. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015.

Về định hướng lớn cho giai đoạn 2021-2025, theo ông Thanh, để có cơ sở vững chắc, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 thận trọng; giải trình đầy đủ cơ sở khi áp dụng cách tính GDP mới và trình Quốc hội xem xét quyết định.

Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với xây dựng chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số. Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, kinh tế hộ gia đình.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Tập trung xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc. Nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán.

Tập trung nguồn lực hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đầu tư các công trình giao thông trọng điểm theo quy hoạch; đưa vào vận hành an toàn các dự án nguồn điện và lưới điện theo đúng tiến độ. Xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu, nhất là vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là đồng bằng sông Cửu Long...

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Kinh tế   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   quy hoạch   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...