26/11/2021 11:25  
Roger Federer gần như không thi đấu hai năm gần đây nhưng vẫn giàu nhất làng banh nỉ, nhờ 90% thu nhập đến từ các hợp đồng quảng cáo.

Federer là tay vợt đầu tiên trong lịch sử có tổng thu nhập sự nghiệp cán 1 tỷ USD, vào năm 2020. Đó là năm Federer không thi đấu, nhưng kiếm 90 triệu USD từ các hợp đồng tài trợ. Trước đó, huyền thoại Thụy Sĩ kiếm 106 triệu USD năm 2019, vượt cả Cristiano Ronaldo, Lionel Messi và ngôi sao bóng rổ LeBron James.

Năm 2018, Federer ký với Uniqlo hợp đồng 280 triệu USD kéo dài 10 năm. Đây là một trong những hợp đồng lạ của thể thao, vì nó kết thúc khi Federer 47 tuổi. Chủ nhân 20 Grand Slam gần như chắc chắn giải nghệ trong giai đoạn đầu hợp đồng và Uniqlo khó hưởng đầy đủ quyền lợi từ thương vụ. Nhưng, giá trị từ danh tiếng của Federer đã thuyết phục nhà tài trợ chấp nhận việc anh không thi đấu thường xuyên.

Federer chỉ kiếm 647.656 USD tiền thưởng năm 2021, chưa bằng 1% tổng thu nhập. Anh chơi 13 trận, không vào bán kết giải nào nhưng vẫn kiếm nhiều tiền nhất làng banh nỉ, xấp xỉ 100 triệu USD. Điều này đã kéo dài nhiều năm và không riêng Federer làm được. Novak Djokovic và Rafael Nadal kiếm hơn 40 triệu USD trong năm 2020, dù tiền thưởng chưa đến 10 triệu.

Các tay vợt hàng đầu có bốn nguồn thu chính: Tiền thưởng, hợp đồng tài trợ, phí ra sân và các khoản phụ thu. Ngoài hợp đồng tài trợ, họ có thể lấy phí ra sân ngang với tiền thưởng vô địch một sự kiện lớn. Theo Tennis World Magazine, Federer từng yêu cầu thù lao 2,2 triệu USD để dự giải biểu diễn Mubadala tại UAE. Giám đốc các giải đấu ATP được cho là phải chi từ 1-3 triệu USD để mời Federer và Nadal góp mặt.

Ngoài những tay vợt đương đại, các cựu ngôi sao thuộc giới tinh hoa như Pete Sampras và Andre Agassi cũng thường xuyên nhận tiền để chơi các trận biểu diễn. Năm 2010, Sampras từng đánh cặp Federer, so tài với Agassi và Nadal ở sự kiện bên lề Indian Wells, nơi mỗi người bỏ túi 1 triệu USD. Năm 2008, Sampras và Federer tham dự tour biểu diễn ở châu Á và Mỹ, nhận 4 triệu USD để chơi bốn trận.

Một trong những khoản phụ thu đáng kể của các tay vợt hàng đầu là tiền thưởng thứ bậc. Nếu họ đảm bảo vị trí cao trên bảng điểm ATP vào cuối mùa, nhà tài trợ sẽ chi thêm tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng. Đây là động lực để các tay vợt duy trì phong độ, đạt thành tích cao và nhà tài trợ hưởng lợi từ điều đó.

Federer sở hữu rất nhiều hợp đồng kiểu này. Anh có giao kèo dài hạn với các thương hiệu như Credit Suisse, Rolex, Moet&Chandon, Mercedes-Benz và ON. Djokovic, dù thương hiệu cá nhân không mạnh như Federer, vẫn hấp dẫn các công ty hàng đầu. Anh đã tái ký với hãng vợt Head bốn lần, bỏ túi đều đặn 8 triệu USD mỗi năm. Tay vợt số một thế giới còn đại diện cho đồng hồ Seiko, thời trang Lacoste, hãng giày Asics và hãng xe Peugeot. Nadal thì kiếm hàng chục triệu USD mỗi năm từ các thương kiệu Kia Motors, Nike và Richard Mille.

Không chỉ giỏi kiếm tiền, các tay vợt hàng đầu còn biết cách giữ tiền và đầu tư. Djokovic, Grigor Dimitrov, Tomas Berdych, Caroline Woziniacki, Anna Ivanovic hay Jelena Jankovic đều chọn Công quốc Monaco để định cư, nhằm hưởng thuế thu nhập 0%. Berdych thậm chí đã lọt vào danh sách trốn thuế trong hồ sơ Panama năm 2016. Tay vợt CH Czech đầu tư nhiều khoản ở nước ngoài nhằm phân tán bớt tài sản và tránh các khoản thuế kinh doanh. Trong những năm đỉnh cao sự nghiệp, Berdych bỏ túi 28 triệu USD từ các hợp đồng quảng cáo.

Nadal và Federer đều có các dự án kinh doanh khổng lồ. "Vua đất nện" đầu tư vào bất động sản dọc các bờ biển Tây Ban Nha. Anh cũng phát triển hệ thống học viện quần vợt, sau thành công của học viện đầu tiên tại Mallorca. Federer thì có thể kiếm nhiều hơn vào năm 2022, kể cả không thi đấu. Công ty giày ON Holding mà tay vợt Thụy Sĩ là cổ đông đã phát hành cổ phiếu lần đầu ở Mỹ, huy động được 622 triệu USD. Giá trị công ty ước tăng lên 6 tỷ USD và doanh số tăng gấp bốn lần vào 2023.

Chênh lệch giàu nghèo trong làng banh nỉ ngày càng lớn. Các tay vợt ngoài top 300 có thu nhập trung bình chỉ 35.000 USD mỗi năm. Con số này tương đương những gì Federer kiếm được trong 4 tiếng nằm nghỉ ở nhà.

"Những gì bạn thấy chỉ là vài người thành công. Những gì bạn không thấy là hàng nghìn người thất bại", cựu tay vợt Thụy Điển Fred Simonsson nói về sự khắc nghiệt của quần vợt. "Quần vợt là môn thể thao cá nhân phổ biến nhất, nhưng thu nhập của nó bất bình đẳng hơn bất kỳ môn thể thao nào khác. Khoảng cách giữa top 100 với phần còn lại rất rõ. Những người ở trình độ trung bình đang vật lộn để theo đuổi quần vợt".

Nhân Đạt (theo Tennisworld, Tennispredict)

Nguồn tin: vnexpress.net


Nadal   Tennis   huyền thoại  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...