29/07/2021 6:05  
Tuy nhiên ngành y tế chưa có hướng dẫn cách test cũng như quy trình thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan y tế.

Y tế phường gọi 115 cũng… “bó tay”

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, anh N.Ch (21 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết 7 ngày trước, qua xét nghiệm cộng đồng, gia đình anh phát hiện 3/6 người nhiễm Covid-19 (gồm ông, bà và mẹ). Khi ông, bà và mẹ được đưa đến khu cách ly theo dõi điều trị thì anh Ch., em gái và cha ở nhà. Ba người F1 ở 1 nhà, mỗi người 1 phòng, cha anh là người nấu ăn, đồ cần dùng thì đặt mua giúp, đặc biệt không ra khỏi nhà. Ăn riêng, ngủ riêng, không dùng đồ chung.
“Mỗi sáng uống 1 viên vitamin C 1.000 mg, rửa mũi, miệng bằng nước muối sinh lý (ngày 3 - 4 lần). Ngày ăn 3 bữa cơm, rau, thịt, cá như bình thường, ăn thêm trái cây. Ngoài ra, hằng ngày, cha con anh đều xông chanh, sả, gừng; tập thể dục nhẹ, hít thở sâu...”, anh Ch. cho biết. Cũng theo anh Ch., 2 ngày qua anh có sốt, anh không gọi y tế phường mà nhờ bác sĩ quen tư vấn, anh uống thuốc hạ sốt thì đỡ. Qua ngày thứ 7 thì y tế phường sẽ xuống xét nghiệm lại những gia đình có F0.
Một gia đình có ca F0 cách ly theo dõi y tế tại nhà ở một quận trung tâm tại TP.HCM rơi vào tình trạng khó thở. Nhưng được sự giúp đỡ của những người bạn và tư vấn của bác sĩ, F0 này đã luyện tập tư thế nằm và tình trạng khó thở đã được cải thiện.
Trưởng một trạm y tế phường tại TP.HCM cho biết F0 hay F1 cách ly tại nhà sẽ được hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Nhưng chủ trương là không để F0 trong cộng đồng, được ở nhà do khu cách ly theo dõi điều trị thiếu chỗ, kể cả F1. F1 có nguy cơ cao như tiếp xúc thường xuyên, lâu dài và trực tiếp nhiều cũng không để ở nhà. “F1 hay F0 ở nhà thì nhân viên y tế cũng vất vả vì họ ở rải rác. Bên cạnh đó còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong nhà và ra xung quanh”, vị trưởng trạm y tế này nói. Ông dẫn chứng, có một ca F1 cách ly tại khách sạn theo dõi sức khỏe, nhưng sau đó thành F0 và suy hô hấp nhanh. Gọi tổng đài 115 bận nên nhờ tài xế quen chuyển đi bệnh viện (BV).
“F1 hay F0 cách ly theo dõi y tế tại nhà được khuyến cáo khi xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở... thì phải báo liền y tế phường để tích cực liên hệ xe cấp cứu để chuyển đi cơ sở y tế. Nhưng y tế phường mang tính chất chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ gọi xe... chứ không can thiệp thực tế được. Còn thời gian mất bao lâu tùy thuộc vào Trung tâm cấp cứu 115 bận hay không”, vị trưởng trạm y tế chia sẻ. Cũng theo vị này, thời điểm trước, trung tâm y tế không vận chuyển F0, chỉ vận chuyển F1, nhưng giờ trung tâm y tế cũng vận chuyển F0 vì quá nhiều, càng lúc càng khó khăn. “F0 hay F1 ở nhà tự chăm sóc sức khỏe, nâng cao đề kháng cơ thể như vitamin. Không khuyến khích F0, F1 dùng kháng sinh, thuốc điều trị”, vị này nói thêm.

Cấp cứu chậm trễ sẽ ảnh hưởng tính mạng con người

Trước đó, ngày 27.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã kiểm tra hệ thống chuyển bệnh nhân của Trung tâm cấp cứu 115 đặt tại công viên phần mềm Quang Trung (Q.12). Ông Phong cho biết, trong thời gian qua nhận được nhiều cuộc gọi của lãnh đạo địa phương về việc khi gọi cho 115 thì đều nghẽn. Chủ tịch TP.HCM lý giải cái nghẽn lớn nhất là đầu ra, tức các BV tiếp nhận; đồng thời cho hay TP.HCM đang nâng cấp máy móc, thiết bị, con người để nâng cao năng lực tiếp nhận bệnh.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM bày tỏ sự sốt ruột với tiến độ vận hành 4 trạm cấp cứu vệ tinh khu vực (đặt ở TP.Thủ Đức, Q.12, Q.Bình Tân và H.Bình Chánh) vì tính cấp thiết của các trạm này. Theo lãnh đạo TP, dịch bệnh chuyển biến rất nhanh, sự chậm trễ của cấp cứu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, cho rằng còn vướng về phương tiện xe cứu thương, hậu cần, chỗ thay đồ bảo hộ, khu vực phun khử trùng xe, xử lý rác thải y tế... liên quan đến địa phương nên rất cần hỗ trợ. Mặt khác, lực lượng tham gia các trạm cần thực hiện theo mô hình sinh hoạt tại chỗ. Trước một số vướng mắc này, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Trung tâm cấp cứu 115 hệ thống lại các đề xuất để giải quyết luôn một lần với tinh thần hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời để nâng cao năng lực chuyển bệnh. Ông Phong đề nghị Sở TT-TT và công viên phần mềm Quang Trung triển khai nhiều kênh tư vấn, hướng dẫn nhằm giải đáp các thắc mắc, phản ánh người dân, bệnh nhân trong thời gian giãn cách.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm cấp cứu 115 không đủ xe cứu thương cho yêu cầu hiện tại, số xe hiện có là 23 chiếc và chuẩn bị lên 29 chiếc. Các BV TP có khoảng 250 xe cứu thương. Do vậy, một công ty sẽ chuyển một số xe thành xe cứu thương. Ngoài ra, TP còn taxi có kết nối tổng đài 115. Taxi hỗ trợ cũng sẽ tổ chức lại như xe cứu thương, cử 1 điều dưỡng theo xe, trang bị 1 bình ô xy để hỗ trợ trong quá trình vận chuyển.
Trong khi đó, hôm qua 28.7, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm cấp cứu 115 sử dụng phần mềm điều phối thông minh của Sở Y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển các trường hợp F0 vào các BV thu dung điều trị Covid-19, không để các trường hợp F0 lưu lại tại địa phương quá 12 giờ...

Cho dân test nhanh?

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã chỉ đạo vùng nào nguy cơ trọng tâm, trọng điểm thì làm xét nghiệm, không làm dàn trải. Sử dụng chủ yếu test nhanh để giảm bớt lực lượng lấy mẫu, giảm áp lực xét nghiệm, giảm bớt chi phí xét nghiệm nhằm tăng cường chi phí điều trị. Mạnh dạn sử dụng test nhanh tại địa phương mà trong đó các đoàn, hội sẽ đảm trách hướng dẫn cộng đồng thực hiện, không cần đến lực lượng nhân viên y tế làm test nhanh. Hiện TP làm từ 120.000 - 150.000 test nhanh/ngày.
Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, thì ủng hộ chủ trương cho người dân tự test nhanh để phòng bệnh dịch. Ông cũng có những chia sẻ hướng dẫn người dân cách lấy mẫu test nhanh bằng các loại test được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua hàng trôi nổi. Tuy nhiên, ông Khanh khuyến cáo, khi phát hiện dương tính, người dân phải báo cho y tế phường (đặc biệt là người có nguy cơ), đồng thời tự cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe. Trong nhà cần có thuốc giảm đau, hạ sốt, ho, trị tiêu chảy..., những loại thuốc trong tủ thuốc gia đình.
Tuy nhiên một chuyên gia về dịch tễ học, tuy đồng tình cho test nhanh để phát hiện F0 kịp thời trên những đối tượng nguy cơ, nhưng theo ông không thể để người dân tự làm. Nhà nước phải làm thế nào để người dân được test nhanh một cách thuận lợi. Theo lý giải của vị chuyên gia, nếu để người dân tự làm, nếu phát hiện dương tính thì khả năng sẽ không khai báo vì sợ, họ sẽ tự ở nhà và nguy cơ tử vong ở nhà.
Chiều 28.7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, PV Thanh Niên đặt câu hỏi về việc TP.HCM có tính đến phương án mở rộng cho người dân tự mua test nhanh về kiểm tra Covid-19 để giảm áp lực cho đội ngũ xét nghiệm. Người dân, doanh nghiệp có thể mua que thử ở đâu, trong trường hợp dương tính qua test nhanh thì xử lý theo quy trình nào... Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói rằng việc test nhanh đơn giản, bản thân cũng tự thực hiện thử. Ngành y tế đã tập huấn cho các khu công nghiệp, khu chế xuất test cho công nhân. Vừa qua, Sở Công thương cũng đề nghị tập huấn cho nhân viên các siêu thị.
Theo ông Nam, test nhanh là vật tư y tế do Bộ Y tế cấp phép, danh mục đã được công bố nên người dân và doanh nghiệp tham khảo, mua và sử dụng, có thể tham khảo thêm hướng dẫn từ Sở Y tế. Riêng câu hỏi về quy trình xử lý khi dương tính test nhanh thì chưa nhận được câu trả lời từ ông Nam.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   HCM   chuyên gia   doanh nghiệp   thuốc giảm đau  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...