12/04/2021 16:46  

Sau một khoảng thời gian khống chế thành công đà lây nhiễm virus SARS-CoV-2, nhiều nước châu Á một lần nữa phải chật vật ứng phó sự tái trỗi dậy của virus này.

Làn sóng Covid-19 mới đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế của Ấn Độ

Hôm 11-4, Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, ghi nhận 169.914 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất từ trước đến nay và là lần thứ 6 số ca nhiễm mới ở nước này lập kỷ lục trong tuần qua. Cho đến nay, số ca nhiễm ở Ấn Độ đã lên hơn 13,5 triệu người, gồm hơn 170.000 ca tử vong.

Vào tháng 1, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, Harsh Vardhan tự hào tuyên bố Ấn Độ đã làm phẳng đường cong lây nhiễm Covid-19 với số ca nhiễm mới hằng ngày về mức chỉ còn hơn 10.000 so với mức đỉnh 100.000 vào hồi tháng 9 năm ngoái 2020. Nhiều địa phương ở Ấn Độ không có ca nhiễm mới trong nhiều tuần.

Tuy nhiên, ngay trong tháng 3, số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ đột ngột tăng vọt trở lại trong tháng 3, thậm chí còn tăng mạnh hơn cả làn sóng lây nhiễm thứ nhất. Chính phủ Ấn Độ cho rằng số ca nhiễm tăng vì người dân tụ tập đông người và không đeo khẩu trang sau khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng.

Giridhara R. Babu, Giáo sư dịch tễ học ở Quỹ Sức khỏe cộng đồng Ấn Độ, cho biết sự tái trỗi dậy của dịch Covid-19 ở bang Maharashtra, nơi có số ca nhiễm cao nhất Ấn Độ, là do sự xuất hiện các biến chủng của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn. –

Dù Ấn Độ đang tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, với khoảng 4 triệu người được tiêm mỗi ngày, nhiều bang của nước này cho biết họ phải giảm bớt số liều tiêm vì chính phủ liên bang không bổ sung các lô vaccine kịp thời.

Cho đến nay, chính phủ Ấn Độ tránh áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc như năm ngoái vì lo ngại các tác động kinh tế. Tuy nhiên, nhiều bang đang siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, đặc biệt là bang Maharashtra và thủ phủ Mumbai của bang này, nơi các nhà hàng bị buộc đóng cửa và các cuộc tụ tập hơn 5 người ở công cộng bị cấm. Nếu không vì các mục đích thiết yếu như mua thực phẩm, thuốc men..., 125 triệu người dân ở Maharashtra bị cấm đi ra khỏi nhà vào dịp cuối tuần cho đến cuối tháng 4.

Nhiều đô thị lớn như Mumbai và New Delhi áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm cho đến ngày 30-4. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng dự báo tăng trưởng của Ấn Độ lên mức 12,5% trong năm nay nhưng Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, nói rằng dự báo này được xây dựng trước khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai bùng lên ở Ấn Độ.
Hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics nhận định: “Những tháng sắp tới sẽ rất quan trong vì sự tái trỗi dậy của Covid-19 đang thách thức đà phục hồi kinh tế còn mong manh của Ấn Độ”. Oxford Economics cảnh báo một lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, số ca tử vong vì dịch bệnh tăng lên và chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 bị trì hoãn là những mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á

Hệ thống y tế Philippines đối mặt nguy cơ sụp đổ

Số ca nhiễm ở Philippines tăng mạnh trở lại kể từ giữa tháng 3, buộc giới chứng trách phải phong tỏa khoảng 24 triệu dân ở thủ đô Manila và các tỉnh lân cận cho đến ngày 11-4.

Sự xuất hiện của các biến chủng virus SARS-CoV-2 khiến số ca nhiễm ở Philippines tăng vọt với cứ trung bình 5 ca xét nghiệm, có một ca dương tính. Số ca nhiễm mới hàng ngày lên mức hơn 10.000 ca mỗi ngày, đang gây quá tải ở một số bệnh viện và có thể gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu hệ thống y tế sụp đổ. Hơn 80% số giường chăm sóc đặc biệt ở Manila và hơn 60% số máy thở trên toàn quốc đã được sử dụng để chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Philippines ghi nhận 15.310 ca nhiễm mới vào ngày 2-4, mức cao kỷ lục trong đại dịch Covid-19 ở nước này. Ngày 9-4, Philippines báo cáo 401 ca tử vong, cũng là mức cao kỷ lục kể từ đầu đại dịch.

Tháng trước, Bộ Y tế Philippines cho hay một biến chủng virus SARS-CoV-2, được gọi là biến chủng P3, lần đầu tiên xuất hiện tại nước này nhưng cần nghiên cứu thêm dữ liệu để xác định tốc độ lây lan của nó. Điều đáng lo ngại là các biến chủng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh, Nam Phi và Brazil đều đã xuất hiện tại Philippines với tổng cộng gần 900 ca nhiễm.

Bộ trưởng Y tế Philippines, Rosario Vergeire nói: “Không phải là chúng tôi không chuẩn bị. Số ca nhiễm tăng lên là điều nằm ngoài dự kiến. Không may, các biến chủng virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh hơn, khiến số ca nhiễm tăng khủng khiếp”.
Cho đến nay, Philippines có tổng cộng hơn 864.868 ca nhiễm, bao gồm 14.945 ca tử vọng. Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 của nước này vấp phải một số trở ngại bao gồm thời hạn giao vaccine bị trì hoãn. Hôm 8-4, Philippines tạm dừng tiêm vaccine Covid-19 của hãng dược AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết phát hiện thấy các trường hợp đông máu hiếm gặp trong số những người trưởng thành tiêm vaccine của AstraZeneca.

Sau khi suy giảm 9,6% vào năm ngoái, kinh tế Philippines được kỳ vọng bật dậy mạnh mẽ trong năm nay. Tuy nhiên, báo cáo của IHS Markit trong tuần qua hạ dự báo tăng trưởng của Philippines xuống mức 5-6%, thay vì 7,4% như dự báo vào tháng trước. IHS Markit cho rằng tiến trình phục hồi kinh tế của Philippines đang kém tươi sáng hơn do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh trở lại.

Thái Lan có thể tăng trưởng kém hơn kỳ vọng do dịch tái trỗi dậy

Tại Thái Lan, số ca nhiễm cũng đang tăng vọt trở lại. Sau khi kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt trong phần lớn năm ngoái, làn sóng lây nhiễm mới bùng lên vào giữa tháng 12, đưa số ca nhiễm hàng ngày ở nước này có lúc lên hơn 900 vào cuối tháng 1. Giới chức trách buộc phải tái triển khai các biện pháp hạn chế đi lại, kéo số ca nhiễm hàng ngày về mức 26 vào ngày 1-4. Khi dịch bệnh tưởng chừng như sắp kiểm soát được thì làn sóng lây nhiễm thứ ba bất ngờ ập đến sau khi một cơn bùng phát dịch gần đây ở Bangkok lây lan rộng ra 77 tỉnh. Hôm 11-4, Thái Lan báo cáo 967 ca nhiễm mới, bao gồm 964 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca nhiễm mới hàng ngày cao kỷ lục ở nước này.
Hôm 7-4, giới chức trách xác nhận biến chủng virus Covid-19 có nguồn gốc từ Anh và có khả năng lây lan cao đã xuất hiện tại Thái Lan

Điều đáng buồn cho người dân và các doanh nghiệp du lịch Thái Lan là số ca nhiễm bùng lên khi xứ sở chùa Vàng bước vào lễ hội té nước Songkran (Tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan) trong tuần này. Chính phủ đã cảnh báo người dân phải tuân thủ các biện pháp khoảng cách xã hội và hủy tất cả các hoạt động lễ hội đồng thời yêu cầu các cơ sở giải trị ở 41 tỉnh đóng cửa trong 14 ngày bắt đầu từ hôm 8-4. Các biện pháp này nhằm kìm hãm đà lây lan của dịch bệnh nhưng cũng giáng đòn thiệt hại cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng.
Đó là chưa kể làn sóng lây nhiễm lần này có thể buộc Thái Lan phải trì hoãn kế tái mở cửa đối với du khách nước ngoài đã được tiêm vaccine Covid-19.

Trao đổi với báo chí, Chayawadee Chai-Anant, Giám đốc cấp cao của bộ phận kinh tế và chính sách ở Ngân hàng trung ương Thái Lan, nói rằng tăng trưởng của Thái Lan trong năm nay có thể thấp hơn dự báo 3% sau khi đợt dịch mới bùng lên. Bà cảnh báo trong kịch bản tồi tệ nhất nếu có những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến các biến chủng virus SARS-CoV-2 và tính hiệu quả của vaccine, kinh tế Thái Lan có thể suy giảm mạnh giống như năm ngoái

Straits Times, Bloomberg, Bangkok Post, Reuters

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Reuters   doanh nghiệp   du lịch   khủng hoảng   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...