29/11/2020 9:45  

Khó chờ đến khi có vaccine

Bà Gloria Guevara, Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), cho biết du lịch và lữ hành chiếm 10% GDP toàn cầu. Ngành du lịch lữ hành đã tạo ra 230 triệu việc làm, cứ 10 lao động thì có một người làm việc trong ngành này. Ước tính, số người bị ảnh hưởng tăng dần từ 50 triệu đến 75 triệu và gần nhất là 121 triệu người, nếu không kịp thời giải quyết, con số này có thể tăng gấp đôi.

Bà nhận định, châu Á có nhiều kinh nghiệm đối phó với những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Trong đó, Việt Nam cũng đã thực hiện rất tốt công tác ngăn chặn dịch. Từ dịch bệnh SARS, MERS và Ebola, có thể thấy rằng, người dân có thể đi lại ngay cả khi chưa có vaccine miễn là phải cách ly những người bị ốm.

Vì vậy, truy dấu tiếp xúc là vô cùng quan trọng, đặc biệt với Covid-19, vì có đến 80% người nhiễm không có triệu chứng. "Biện pháp này được thực hiện có hiệu quả tại nhiều quốc gia. Họ phục hồi nhanh hơn. Chúng tôi khuyến khích cách làm này", bà Guevara nói trong video clip được gửi đến Hội nghị du lịch toàn quốc 2020, được tổ chức vào hôm nay (28-11) tại tỉnh Quảng Nam.

Bà cũng cho rằng, việc mở cửa lại biên giới, dỡ bỏ các rào cản cần thực hiện với sự điều phối chặt chẽ; cần tập trung đơn giản hóa trải nghiệm du lịch, bao gồm lộ trình từ sân bay đến khách sạn và nên chia làm hai giai đoạn trước, sau khi có vaccine.

"Chúng ta chưa đủ khả năng kinh tế để đóng băng du lịch hoàn toàn khi chưa có vaccine mà phải học cách sống chung, bằng cách truy dấu tiếp xúc", bà Guevara nói và cho rằng, đó lý do nhiều quốc gia tiến hành xét nghiệm tại khu vực làm thủ tục để cách ly những người có bệnh, là việc thiết yếu giúp gây dựng lại niềm tin của du khách.

Nhiều doanh nghiệp cũng có cùng quan điểm với bà Guevara, cho rằng "sống chung với dịch" là cách nên làm để du lịch có thể hoạt động trong thời đại dịch.

Theo ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, cần cơ chế phối hợp, có kịch bản rõ ràng để bảo đảm an toàn cho khách như cơ chế kích hoạt phòng chống dịch qua hệ thống Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh toàn quốc. "Điều này sẽ đem lại sự an tâm, giúp du khách quyết định ra khỏi nhà để đi du lịch", ông nói.

Ông Tài có cùng quan điểm với bà Guevara, là không thể ngồi chờ đến khi có vaccine mới đi du lịch mà cần phải có những cơ chế để ứng phó. "Chúng tôi đề xuất cơ chế du lịch an toàn "tắt – mở" kịp thời vì dịch bệnh có nguy cơ tiềm ẩn rất cao, phải có những kịch bản ứng phó ngay khi dịch bệnh bùng phát hoặc tái dịch, khi dịch kiểm soát được thì du lịch lập tức trở lại", ông nói.

Doanh nghiệp du lịch đáng được "giải cứu"

Đến khi nào thì ngành du lịch và liên quan đến du lịch có thể có lượng khách bằng với thời điểm trước dịch? Theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, nhanh nhất là năm 2021, lượng hành khách sẽ tương đương với số lượng của năm 2019. Với mảng khách quốc tế đến Việt Nam, có thể đến năm 2023 mới đạt sản lượng như trước dịch.

Số liệu từ những báo cáo, nghiên cứu của các cơ quan liên quan đến du lịch cũng cho thấy thời gian để du lịch có thể "hồi sức" sau đại dịch là rất dài. Trong đó, trong những báo cáo gần đây, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), cho biết nhu cầu đi du lịch phần lớn vẫn giảm. Dự báo, phải mất từ hai năm rưỡi đến bốn năm thì lượng khách du lịch mới có thể phục hồi bằng với thời điểm trước dịch là năm 2019.

Theo bà Guevara, một trong 4 nguyên tắc để du lịch phục hồi là duy trì hỗ trợ từ chính phủ, không chỉ trong khủng hoảng mà còn phục vụ quá trình hồi phục để vượt qua những thời khắc khó khăn. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ chính phủ như biện pháp mà bà Guevara đề cập đến.

Những ngày gần đây, trước thông tin về việc quốc hội nhất trí với chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines để cứu hãng hàng không quốc gia, chủ đề giải cứu doanh nghiệp du lịch lại được giới kinh doanh thảo luận sôi nổi trở lại.

Theo đó, với vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn, đem về 755.000 tỉ đồng, đóng góp trực tiếp cho GDP đến 9,2% vào năm ngoái và là ngành bị đại dịch tác động sớm, trực tiếp và lâu dài nên du lịch cũng là ngành đáng được "giải cứu".

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, những đề xuất về chính sách thuế, tài chính, chính sách cho người lao động... gần như vẫn chưa được triển khai. Trong khi đó, những đề xuất hỗ trợ mới như giảm 80% tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành lại được đánh giá là không có tác dụng hỗ trợ cho du lịch cầm cự qua dịch.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, cho rằng có 3 giải pháp chiến lược để tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau đại dịch Covid-19. Bao gồm, phát triển thị trường du lịch nội địa trở thành thị trường nguồn quan trọng, đóng góp 55-75% tổng thu của ngành du lịch trong 2-3 năm tới; tăng năng lực cạnh tranh của toàn ngành du lịch Việt Nam, đồng bộ với các phương án mở cửa an toàn trong khi chờ có vaccine Covid-19 và các giải pháp về cơ chế đối thoại công - tư hiệu quả trong lĩnh vực du lịch.

"Trong đó, để phát triển thị trường du lịch, cần hỗ trợ doanh nghiệp có dòng tiền và kích cầu tạo thị trường", ông nói.

Mời đọc thêm:

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Airlines   Covid   Covid-19   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   du lịch   khủng hoảng   kinh tế mũi nhọn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...