23/11/2020 16:25  
Thượng đỉnh G20 cuối tuần qua kết thúc mà không đạt được nhiều kết quả đột phá, khi chương trình nghị sự vấp phải sự thờ ơ hoặc thù địch của Mỹ.

Các lãnh đạo G20 ngày 22/11 ra tuyên bố chung kết thúc hội nghị thượng đỉnh do Arab Saudi chủ trì theo hình thức trực tuyến. Là sự kiện rất được kỳ vọng trong nỗ lực đoàn kết các nền kinh tế lớn nhất thế giới ứng phó những thách thức toàn cầu, bản tuyên bố của G20 lại cho thấy "hố sâu" giữa Mỹ và các đồng minh trong xử lý những khủng hoảng như đại dịch Covid-19 hay biến đổi khí hậu.

Trong tuyên bố, các lãnh đạo G20 nhấn mạnh vào cái mà họ gọi là "nhiệm vụ quan trọng của các hệ thống và cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)", cơ quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 7 tuyên bố rút khỏi hoạt động, đe dọa cắt nguồn tài trợ.

G20 cho biết tổ chức này ủng hộ việc tăng cường "tính hiệu quả tổng thể của WHO trong điều phối và hỗ trợ phản ứng toàn cầu trước đại dịch Covid-19 và nỗ lực trọng tâm của các quốc gia thành viên".

Về tổng thể, tuyên bố chung của G20 không có bất kỳ thông báo đột phá nào ngoài lời kêu gọi chung chung về gia tăng hợp tác toàn cầu và đảm bảo "quyền tiếp cận công bằng, hợp lý" với các phương pháp điều trị và vaccine Covid-19.

Việc thiếu vắng những sáng kiến quan trọng cho thấy G20 khó thực hiện các chương trình nghị sự của mình như thế nào trước sự thờ ơ từ Mỹ. Tổng thống Trump hôm 21/11 bỏ giữa chừng một phiên họp có chủ đề "Chuẩn bị cho đại dịch" trong khuôn khổ hội nghị để đi chơi golf.

Tuyên bố chung G20 được ra đúng vào ngày Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, một thỏa thuận quốc tế được ký ba thập kỷ trước, cho phép các thành viên tiến hành những chuyến bay giám sát trên không phận của nhau nhằm thúc đẩy tính minh bạch về hoạt động quân sự.

Động thái này như một dấu mốc nữa trên hành trình chối bỏ các thỏa thuận quốc tế của chính quyền Trump, sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ không gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START với Nga, vốn sẽ hết hạn vào tháng 1/2021.

Tuyên bố của G20 còn đề cập tới những lĩnh vực khác mà ở đó Tổng thống Trump cũng thể hiện quan điểm bất đồng. G20 gọi biến đổi khí hậu là "một trong những thách thức cấp bách nhất của thời đại chúng ta", trong khi ông chủ Nhà Trắng lại chỉ trích Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cho rằng nó "không được tạo ra để bảo vệ môi trường" mà "sinh ra để giết chết nền kinh tế Mỹ".

Trump thường xuyên hoài nghi đánh giá cho rằng biến đổi khí hậu là do con người gây ra. Hồi đầu tháng 11, ông sa thải Michael Kuperberg khỏi vị trí giám đốc Cơ quan Đánh giá Khí hậu Quốc gia. Nhà khoa học này đóng vai trò là chuyên gia tư vấn hàng đầu của chính phủ về lĩnh vực khí hậu và thiết lập các quy định để chống lại hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Mỹ sẽ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong tháng này, nhưng Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết sẽ tái gia nhập ngay sau khi ông nhậm chức.

Phong cách "một mình một ngựa" của Tổng thống Trump đã tạo ra không ít thách thức đối với các hội nghị toàn cầu kể từ khi ông lên nắm quyền. Trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka hồi năm ngoái, Trump đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi chỉ trích cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, bao gồm cả nước chủ nhà Nhật Bản.

Tham dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở London, Anh, năm 2019, Trump bất ngờ rời sự kiện sau khi trên mạng xã hội lan truyền video ghi lại cảnh các lãnh đạo Anh, Pháp, Canada và Hà Lan chế giễu ông trong cuộc trò chuyện riêng.

Tình cảnh thiếu vắng sự lãnh đạo của Mỹ tại những diễn đàn như vậy diễn ra trong bối cảnh thế giới đang tiếp tục đối mặt với những hệ lụy kinh tế nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng trước dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 4,4% trong năm 2020 và thời gian phục hồi sẽ kéo dài, không đồng đều và không chắc chắn.

Các nước nghèo đặc biệt dễ bị tổn thương do tác động từ dịch bệnh. Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 10 ước tính Covid-19 có thể đẩy hơn 100 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm nay.

Hôm 22/11, các lãnh đạo thế giới đã ủng hộ một khuôn khổ mới nhằm cung cấp những khoản giảm nợ cho các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đồng thời nhắc lại cam kết đóng băng những khoản nợ phải trả cho tới tháng 6 năm sau.

Hơn 40 nước đã được giảm nợ trên 5 tỷ USD nhờ các gói cứu trợ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ủng hộ biện pháp này, song không rõ Tổng thống Trump có cùng quan điểm hay không.

Sau 4 năm Trump làm lung lay trật tự toàn cầu về thương mại quốc tế, thông cáo của G20 nhấn mạnh cam kết đối với tương lai của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), bày tỏ ủng hộ đối với "hệ thống thương mại đa phương", đồng thời kêu gọi duy trì một môi trường thương mại và thị trường mở "ổn định".

Dù không đề cập tới các biện pháp thuế, ngôn ngữ của tuyên bố chung giống như một lời trách cứ đối với thiên hướng nghiêng về chủ nghĩa bảo hộ và các cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump.

Sự rạn nứt giữa các lãnh đạo châu Âu và Tổng thống Mỹ không chỉ được thể hiện trong ngôn ngữ thông cáo. Hôm 21/11, Trump không có tên trong danh sách lãnh đạo tham dự một sự kiện bên lề thượng đỉnh G20 về khả năng ứng phó và sẵn sàng cho đại dịch.

Trong lúc các lãnh đạo như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại hội nghị, Trump rời Nhà Trắng và tới chơi golf tại Virginia. Ông hôm qua vẫn tiếp tục miệt mài với thú vui chơi golf của mình.

Nhiều cựu cố vấn đảng Cộng hòa đã chỉ trích hành động trên của Trump.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, "tổng thống George W. Bush đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên để vạch ra lộ trình khắc phục và cải tổ nền kinh tế thế giới", Daniel M. Price, cựu cố vấn phụ trách về đầu tư và thương mại quốc tế dưới chính quyền Bush, cho hay. "Khi diễn đàn này nhóm họp hôm qua nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng Covid-19, Donald Trump lại chọn chơi golf. Có thể thấy nhiệm vụ của Tổng thống đắc cử Biden nhằm khôi phục lòng tin và sự tin tưởng toàn cầu đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn bởi chính người tiền nhiệm".

Trong một thông báo đưa ra chiều 22/11, Nhà Trắng tóm tắt lại lịch trình tham dự hội nghị của Tổng thống Trump và dường như gợi ý rằng ông sẽ tham gia hội nghị G20 năm sau ở Italy.

"Tổng thống Trump đã cảm ơn Arab Saudi vì vai trò lãnh đạo của họ trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 và mong chờ làm việc với Italy với tư cách là chủ tịch sắp tới của G20", Kayleigh McEnany, thư ký báo chí Nhà Trắng, cho hay.

Vũ Hoàng (Theo NYTimes)

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   Donald Trump   Joe Biden   Ngân hàng   Nhà Trắng   Nhật Bản   Trump   Tài chính   Tổng thống   chuyên gia   chính quyền Trump   diễn đàn   hành vi   hợp tác   khủng hoảng   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...